Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét

Thứ 6, 26.04.2024 | 08:24:05
595 lượt xem

Để duy trì bền vững thành quả loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh, từ năm 2023 đến nay, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành xét nghiệm mẫu máu của người có nguy cơ cao

Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra với các triệu chứng đau đầu, sốt, lạnh run và dễ tử vong. Bệnh có thể lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc bị muỗi đốt.

Nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh sốt rét đối với sức khỏe cộng đồng, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Năm 2019, Lạng Sơn là 1 trong 25 tỉnh, thành trên cả nước được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ vẫn tiềm ẩn.

Cùng với tuyên truyền, ngành y tế đã duy trì hoạt động 16 điểm kính hiển vi, soi lam ở TTYT các huyện, thành phố với khoảng 7.000 mẫu máu được kiểm tra mỗi năm. Qua đó, giúp phát hiện ký sinh trùng sốt rét có trong mẫu máu của người có nguy cơ cao để kịp thời có biện pháp khoanh vùng, điều trị.

Điển hình, tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 ca bệnh sốt rét tại thôn Bản Chầu, xã Lương Năng, huyện Văn Quan là người đi làm ăn xa, trở về nhà và phát bệnh. Bác sĩ Triệu Thị Nhình, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh tật, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Quan kể: Ngay sau khi phát hiện ca bệnh sốt rét, chúng tôi đã báo cáo trên hệ thống giám sát dịch tễ sốt rét. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đến gia đình để triển khai khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, truyên truyền, vận động các hộ dân gần khu vực đó tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, không để lây lan. Từ đó đến nay, trên địa bàn huyện không xuất hiện thêm ca bệnh nào.

Được biết mỗi năm, TTYT Văn Quan đều xây dựng kế hoạch, triển khai tuyên truyền lồng ghép tại các xã, thị trấn và duy trì điểm kính hiển vi, soi lam (mẫu máu của những người có nguy cơ cao), phát hiện ký sinh trùng với khoảng 600 lam/năm.

Cùng với Văn Quan, 11/11 TTYT các huyện, thành phố và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên triển khai các hoạt động để phòng chống, ngăn ngừa bệnh sốt rét. Bác sĩ Tống Văn Dương, Trưởng Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để duy trì bền vững thành quả loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tham mưu trung tâm trình Sở Y tế ban hành kế hoạch chỉ đạo TTYT các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại. Trong đó, phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống sốt rét về chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét và giám sát phòng, chống sốt rét. Cùng đó tư vấn tại trạm y tế, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp xã tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp dân để nâng cao nhận thức, huy động cộng đồng chung tay ngăn chặn sốt rét.

Bình quân mỗi năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp tổ chức được khoảng 12 lớp tập huấn cho 500 học viên là cán bộ, y, bác sĩ tại TTYT tuyến huyện, trạm y tế xã. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông phòng chống sốt rét bằng hình thức phát thanh, nói chuyện, thảo luận nhóm. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức được trên 10.000 cuộc tuyên truyền cho hơn 400.000 lượt người. Tính từ năm 2023 đến nay đã tổ chức được gần 13.000 cuộc cho trên 450.000 lượt người.

Nhờ đó, nhận thức của người dân về phòng, chống sốt rét được nâng lên. Chị Nông Thị Hoan, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập cho biết: Thường xuyên được cán bộ tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt rét, tôi nhận thức rõ về nguy cơ bệnh sốt rét quay trở lại và chủ động phòng ngừa. Gia đình tôi ở gần suối, nhiều bụi rậm, nhiều muỗi. Hằng năm, tôi đều đến trạm y tế xã để được hướng dẫn phun thuốc phòng chống muỗi, ký sinh trùng. Tôi nhắc nhở người nhà thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mắc màn trước khi ngủ để đề phòng muỗi đốt.

Cùng với tuyên truyền, ngành y tế đã duy trì hoạt động 16 điểm kính hiển vi, soi lam ở TTYT các huyện, thành phố với khoảng 7.000 mẫu máu được kiểm tra mỗi năm. Qua đó, giúp phát hiện ký sinh trùng sốt rét có trong mẫu máu của người có nguy cơ cao để kịp thời có biện pháp khoanh vùng, điều trị.

Bác sĩ Đinh Hoàng Giang, Phó Giám đốc TTYT huyện Cao Lộc cho biết: Để ngăn ngừa sốt rét, hằng năm, trung tâm vẫn duy trì 2 điểm kính hiển vi tại TTYT huyện và Phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng. Bình quân mỗi năm soi được trên 1.000 lam. Cùng đó, trung tâm chỉ đạo các trạm y tế của 22 xã, thị trấn tổ chức truyền thông lồng ghép hằng tháng và cao điểm khi có kế hoạch hoạt động của ngày Thế giới phòng, chống sốt rét (25/4) với khoảng 22 cuộc cho trên 800 lượt người.

Cùng đó, công tác giám sát dịch tễ luôn được Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh và TTYT huyện, thành phố duy trì, thực hiện tốt. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức giám sát dịch tễ sốt rét được 459 cuộc ở 511 xã, tăng 5 cuộc, 5 xã so với năm 2022. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, trường học, gia đình đã chủ động liên hệ, ký hợp đồng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để thực hiện dịch vụ phun hóa chất diệt côn trùng. Từ năm 2023 đến nay, trung tâm đã thực hiện dịch vụ phun hóa chất diệt côn trùng cho 8 tập thể, 300 cá nhân có nhu cầu.

Với những giải pháp thiết thực đó, từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh được kiểm soát ổn định, không có ca bệnh phát sinh, không có điểm nào có nguy cơ xảy ra dịch, phòng ngừa sốt rét hiệu quả, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chu-dong-phong-ngua-benh-sot-ret-5006745.html

  • Từ khóa