Theo bác sĩ, những nguyên nhân gây bệnh hô hấp đều dẫn đến biến chứng trầm trọng và khó khăn trong điều trị. Câu hỏi đặt ra là có nên tiêm ngừa cho trẻ nhỏ hay không, và tiêm từ bao nhiêu tuổi?
Mới đây, bé T.M.N. (4 tuổi, ngụ TPHCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trong tình trạng ho dữ dội, đến mức không nằm được.
Khai thác bệnh sử, cách đây 5 tháng, bé xuất hiện một đợt ho nhẹ, uống thuốc thì khỏi. Nhưng hơn 1 tuần nay, bé tái ho trở lại đi cùng những cơn khó thở, uống thuốc không còn cải thiện. Tại phòng khám Nhi, bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm phổi kèm hen, phải nhập viện.
Bác sĩ chỉ ra 80% nguyên nhân gây bệnh hô hấp
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Thị Kim Huyên, khoa Thăm dò chức năng hô hấp, cấu tạo mũi người vô cùng phức tạp, bao gồm rất nhiều bộ phận nhỏ như xương, mô, mạch máu và dây thần kinh. Vì cấu trúc mũi liên quan đến đường hô hấp, nên tất cả những gì chúng ta hít vào mũi đều đi đến hệ hô hấp và toàn bộ cơ thể.
Khi mũi bị sưng viêm, trẻ phải thở bằng miệng, đồng thời các phân tử lạ, chất gây kích ứng và các loại siêu vi gây hại cũng dễ dàng xâm nhập nhanh chóng, tấn công vào trong cơ thể.
Song song đó, vùng mũi và hầu họng bị kích ứng sẽ sản sinh ra các chất gây viêm, tạo những phản xạ dẫn truyền các chất này ra vùng xung quanh, có thể khiến amidan 2 bên hầu họng bị sưng to, cũng như gây viêm thanh quản, phế quản, hen, phổi.
Trẻ điều trị bệnh hô hấp tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Trong trường hợp trẻ tiếp xúc với giọt bắn, chất gây lây nhiễm hoặc các loại siêu vi, khả năng mắc bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm mũi xoang là rất cao. Ngoài ra, việc gặp khó khăn trong quá trình hít thở có thể dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ, gây biến chứng thậm chí là bệnh tim mạch và hen suyễn ở trẻ.
Bác sĩ Huyên chia sẻ, trong những nguyên nhân gây bệnh lý hô hấp , gần 80% trường hợp do siêu vi gây ra, nổi bật là cúm. 20% còn lại do vi trùng, nổi bật là phế cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae. Đây đều là những tác nhân gây ra biến chứng trầm trọng và khó khăn trong điều trị.
Biện pháp phòng ngừa bệnh lý hô hấp tốt nhất mà phụ huynh có thể làm cho con hiện nay là đưa trẻ đi tiêm vaccine. Ngoài ra trong sinh hoạt hằng ngày, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra ngoài và đến nơi đông người, bổ sung dinh dưỡng hợp lý xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Trẻ nên tiêm ngừa bệnh hô hấp thế nào?
Câu hỏi đặt ra là trẻ từ bao nhiêu tuổi có thể bắt đầu tiêm chủng phòng ngừa các bệnh về hô hấp?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, câu trả lời tùy thuộc vào các thời điểm trẻ có thể mắc bệnh, bởi mỗi bệnh lý sẽ có thời gian tiêm ngừa khác nhau. Cụ thể với bệnh lý hô hấp, thời điểm mới sinh trẻ đã được tiêm ngừa phòng bệnh lao.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân khám sức khỏe cho trẻ (Ảnh: BV).
Khi trẻ được 6 tuần tuổi trở lên sẽ được tiêm ngừa phòng vi khuẩn Hib, phế cầu, ho gà, lịch tiêm 3 lần và nhắc lại vào năm thứ 2. Lịch tiêm ngừa virus cúm dành cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên là tiêm 2 liều, mỗi liều cách 1-2 tháng và tiêm nhắc lại mỗi năm.
Bác sĩ Luân khẳng định, việc tiêm chủng sớm và đúng lịch trình giúp cơ thể trẻ phát triển khả năng miễn dịch một cách tốt nhất trước khi tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, bảo vệ trẻ khỏi các biến chứng nguy hiểm của bệnh và ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Theo dantri.com.vn