Hơn một triệu người Việt nhiễm loại sán phá hủy gan: Bệnh từ miệng

Thứ 4, 15.05.2024 | 15:00:36
493 lượt xem

Các điều tra dịch tễ cho thấy bệnh thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam với ước tính hơn một triệu người nhiễm bệnh.

Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, bệnh sán lá gan nhỏ là một trong những gánh nặng lớn trong nhóm bệnh lý về ký sinh trùng tại Việt Nam.

Sán lá gan nhỏ là sán lá truyền qua cá. Người nhiễm do ăn cá sống có ấu trùng sán. Khi người ăn phải ấu trùng sán lá gan nhỏ, chúng vào dạ dày, xuống tá tràng rồi chui lên đường mật của gan để phát triển trưởng thành, ký sinh vĩnh viễn tại đó.

Các điều tra dịch tễ cho thấy bệnh thường gặp ở 20 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và miền Nam với ước tính hơn một triệu người nhiễm bệnh.

Trong khi đó, bệnh sán lá gan lớn gặp ở 53/60 tỉnh thành trong cả nước, trong những năm gần đây ghi nhận khoảng 10-15 nghìn ca bệnh/năm.

Hơn một triệu người Việt nhiễm loại sán phá hủy gan: Bệnh từ miệng - 1

Gỏi cá là món ăn khiến nhiều người bị lây nhiễm sán lá gan nhỏ (Ảnh: Getty).

Sán lá gan lớn dưới dạng ấu trùng bơi trong nước. Sau đó, chúng bám vào ốc và rau. 

Bệnh gây ra những ổ áp xe ở gan và có thể gặp sán lá gan lớn lạc chỗ gây ra các tổn thương khác nhau tại các vị trí sán ký sinh.

Theo BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người đang vô tình đưa sán lá gan vào người chỉ vì những món khoái khẩu.

BS Thọ phân tích: "Sán lá gan nhỏ ký sinh ở động vật qua phân xuống ao hồ và cá nước ngọt mang theo sán này. Khi ăn gỏi cá, sán xâm nhập vào cơ thể.

Khi nhiễm sán lá gan, ở giai đoạn cấp bệnh nhân có dấu hiệu đau tức hạ sườn phải hoặc sốt, ngứa và đau dữ dội vùng cơ. Khi siêu âm phát hiện có tổn thương vùng gan trái.

Trong khi đó, sán lá gan lớn dưới dạng ấu trùng bơi trong nước. Sau đó, chúng bám vào ốc và rau.

Do đó, thường xuyên ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín kỹ như rau cần, rau ngổ, rau muống nước, ngó sen hay ăn ốc chưa nấu chín kỹ có thể khiến người dân đưa sán lá gan lớn vào người".

Bệnh nhân sán lá gan thường có triệu chứng đau tức vùng gan, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc mật, ứ mật, vàng da. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ xuất hiện trạng thái thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa và suy kiệt dần.

Công tác phòng chống sán lá gan trên cả nước cũng gặp nhiều thách thức. Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, hiện tại không có hoạt động nào liên quan đến công tác phòng chống bệnh sán lá gan nhỏ được tiến hành tại Việt Nam, sau khi hoạt động thử nghiệm can thiệp tẩy sán lá gan nhỏ tại cộng đồng được WHO tài trợ thuốc và kinh phí hoạt động vào năm 2017.

Cùng với đó, hiện nay chỉ có các hoạt động điều trị ca bệnh cho bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn tại các cơ sở điều trị trong cả nước. Không có bất kỳ hoạt động phòng chống bệnh sán lá gan lớn nào tại cộng đồng.

Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, việc phát hiện chủ động nhiễm giun sán ở nước ta rất kém. Đa phần người dân có triệu chứng, đi khám bệnh mới bất ngờ được phát hiện.

Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán.

Theo khuyến cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, để phòng nhiễm sán, người dân cần ăn chín, không ăn đồ tái sống.

Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/hon-mot-trieu-nguoi-viet-nhiem-loai-san-pha-huy-gan-benh-tu-mieng-20240515102727460.htm

  • Từ khóa