Theo bác sĩ, một số nghiên cứu đã chỉ ra, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng gấp 8 lần khi gặp phải tình trạng này ở độ tuổi 18-34.
Tình trạng khiến nguy cơ đột quỵ tăng 8 lần
Bác sĩ Phan Thanh Hào, Viện trưởng Viện tế bào gốc chống lão hóa cho biết, đau đầu, mất ngủ tuy không phải là một căn bệnh cụ thể gây đe dọa đến tính mạng nhưng có thể trở thành yếu tố nguy cơ kéo gần khoảng cách đến "hung thần" đột quỵ.
Cụ thể, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, mất ngủ làm tăng nguy cơ cấp cứu vì đột quỵ lên 54%. Đặc biệt, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng gấp 8 lần khi bị mất ngủ ở độ tuổi 18-34. Trên thực tế, đột quỵ ngày nay không chỉ xuất hiện ở người già mà còn âm thầm tấn công người trẻ tuổi và trung niên.
Các thống kê tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng trung bình 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao hơn nữ giới 4 lần. Theo báo cáo đăng trên Tạp chí Đột quỵ thế giới, có 10-15% bệnh nhân đột quỵ nằm trong nhóm 18-50 tuổi.
Nguy cơ đột quỵ sẽ tăng cao khi người trẻ bị mất ngủ (Ảnh minh họa: BS).
Một nghiên cứu của tiến sĩ Wendemi Sawadogo (Mỹ) cùng cộng sự, với mẫu hơn 31.000 người cũng cho thấy, có tổng cộng hơn 2.100 cơn đột quỵ xuất hiện ở đối tượng nghiên cứu. Ở những người có 1-4 triệu chứng mất ngủ, nguy cơ đột quỵ tăng 16% so với những người không có triệu chứng. Với người có 5-8 triệu chứng mất ngủ, nguy cơ đột quỵ tăng đến 51%.
Vậy có mối liên hệ nào giữa đau đầu, mất ngủ và đột quỵ? Bác sĩ Hào phân tích, khi căng thẳng, đau đầu, mất ngủ trong thời gian dài, cơ thể sẽ sản sinh nhiều gốc tự do gây tổn thương nội mạc mạch máu, đồng thời hình thành các mảng xơ vữa, cục máu đông làm hẹp lòng mạch và ngăn máu lưu thông đến não.
Thời gian mạch máu tắc nghẽn càng lâu, tế bào thần kinh tại những vùng não không được cung cấp oxy sẽ càng trở nên suy yếu. Hậu quả là cơn đột quỵ xuất hiện.
Làm gì để hết đau đầu, mất ngủ?
Nhiều người vẫn loay hoay trong việc tìm cách khắc phục tình trạng đau đầu, mất ngủ, để vừa không gây tác dụng phụ, vừa có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng.
Theo bác sĩ Hào, bên cạnh những phương pháp truyền thống, dùng thuốc… đã được áp dụng nhiều năm qua, hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, các giải pháp công nghệ cao đã được nghiên cứu, ứng dụng để mang lại cho người bệnh nhiều sự lựa chọn trong điều trị.
Trong đó, liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ (TMS) được áp dụng điều trị mất ngủ tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Như tên gọi, phương pháp này sử dụng từ trường xuyên qua hộp sọ để tác động vào thần kinh trên não. Từ đó, làm thay đổi chức năng điện thần kinh ở vùng não mà từ trường tiếp cận. Phương pháp này còn dùng hỗ trợ điều trị người bị trầm cảm.
Ngoài chiếu xuyên sọ, sóng từ trường cũng có thể dùng để kích hoạt các nút thần kinh giao cảm, để cơ thể giảm đi sự chú trọng những cơn đau.
Một bệnh nhân trẻ tuổi điều trị rối loạn mất ngủ tại TPHCM (Ảnh: BS).
Ngoài ra, còn có liệu pháp Ozone (đường tiêm) giúp tăng lượng oxy trong máu, nuôi dưỡng các tế bào khỏe mạnh, kích thích hệ thống miễn dịch. Khi oxy dồi dào, hoạt động của cơ thể (nhất là não) sẽ không bị trì trệ, từ đó giảm thiểu tình trạng đau đầu, mất ngủ.
Bà M.A. (60 tuổi, quê Bình Dương) cho biết, bản thân bị mất ngủ 2 năm liền. Ngày nào, người phụ nữ cũng phải uống thuốc tây mới ngủ được, nhưng đổi lại là cơ thể rất bức rức, khó chịu. Gần đây khi vào một bệnh viện ở TPHCM, bệnh nhân được thăm khám và đổi hướng điều trị sang dùng sóng từ trường xuyên sọ. Kết quả, bà A. đã dần sinh hoạt điều độ trở lại, không còn đau đầu, ngủ ngon hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống và cải thiện tình trạng mất ngủ, ngoài điều trị, người dân cần hạn chế căng thẳng lo lắng khi đi ngủ, cố gắng giữ không gian phòng ngủ mát mẻ và yên tĩnh, hạn chế tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử (nhất là trước giờ ngủ), không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích.
Ngoài ra, cần vận động, tập thể dục đều độ và tăng cường sử dụng các thực phẩm cung cấp nguồn canxi, vitamin B6, melatonin, magie… có lợi cho não bộ.
Theo dantri.com.vn