Trên thực tế, có một số trường hợp bệnh nhân sốt rét được điều trị tại các cơ sở y tế xuất viện về nhà nhưng sau đó bị sốt trở lại.
Do sốt rét tái phát nên người bệnh phải đến lại cơ sở y tế để tiếp tục điều trị. Việc điều trị không dứt điểm, không đúng quy định, sốt rét lại tái phát hết đợt này đến đợt khác làm cho người bệnh hiểu nhầm sốt rét là một bệnh mạn tính khó chữa khỏi. Vì vậy, cần hiểu đúng về vấn đề này.
Ai dễ mắc?
Sốt rét tái phát thường xảy ra trên các đối tượng bệnh nhân khác nhau.
Bệnh nhân sốt rét tái phát gần do bị nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum kháng lại với thuốc điều trị sử dụng, thuốc không có khả năng diệt hết thể vô tính (trophozoite) của ký sinh trùng ở trong máu người bệnh.
Bệnh nhân sốt rét tái phát xa do bị nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium vivax nhưng không được dùng loại thuốc diệt thể ngủ (hypnozoite) của ký sinh trùng ký sinh trong gan để tiệt căn.
Ngoài ra, sốt rét tái phát cũng xảy ra trên những người bệnh trong tiền sử đã bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét, có cơn sốt rét trước đó từ 1 - 2 năm đối với loại Plasmodium falciparum; từ 1,5 - 5 năm đối với loại Plasmodium vivax, Plasmodium ovale; từ 3 - 5 năm đối với loại Plasmodium malariae. Sự tái phát tùy thuộc vào thời gian ký sinh trùng sốt rét tồn tại trong cơ thể.
Trong một số trường hợp, sốt rét tái phát cũng thường hay gặp ở những người bệnh có điều kiện lao động nặng nhọc và trong thời kỳ sốt rét sơ nhiễm bị mắc bệnh trong 6 tháng đầu.
Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Đặc điểm lâm sàng của sốt rét tái phát
Khi bị mắc bệnh sốt rét, triệu chứng lâm sàng điển hình được biểu hiện bằng cơn sốt với 3 giai đoạn rét run, nóng sốt, vã mồ hôi xảy ra có chu kỳ ngay từ lúc khởi phát.
Giai đoạn rét run với cơn rét dọc từ sống lưng truyền ra toàn thân, hai hàm răng va đập vào nhau, run bần bật; đắp nhiều chăn màn vẫn rét, kèm theo môi tím tái, mắt thâm quầng, nổi gai ốc; mạch nhanh, nhỏ; lách sưng to, đi tiểu nhiều. Cơn rét run kéo dài từ 15 phút đến khoảng từ 1 - 2 giờ.
Giai đoạn nóng sốt được biểu hiện từ khi hết cơn rét run, bệnh nhân có cảm giác nóng bức, tung hết các chăn màn, mặt đỏ bừng, mắt đỏ, da khô nóng, nhức đầu, chóng mặt, hay bị nôn; nhiệt độ có thể tăng cao tới 40 - 410C; mạch đập mạnh và nhanh, nhịp thở nhanh; có thể hơi đau ở vùng gan, lách; nước tiểu ít và sẫm màu. Cơn sốt nóng kéo dài trung bình từ 2 - 4 giờ hoặc hơn tùy theo thể bệnh nặng hay nhẹ.
Giai đoạn vã mồ hôi được biểu hiện bằng nhiệt độ giảm, vã ra nhiều mồ hôi ở trán, đầu, mặt đến toàn thân trong những trường hợp nặng; triệu chứng nhức đầu giảm, hết nôn, gan và lách hơi co lại. Bệnh nhân bớt đau, dễ chịu hẳn, chỉ thấy khát nước, đôi khi ngủ thiếp đi.
Trong sốt rét tái phát, cơn sốt rét kéo dài trung bình khoảng từ 2 - 4 giờ; thường ngắn hơn cơn của sốt rét sơ nhiễm. 3 giai đoạn của cơn sốt rét như rét run, nóng sốt, vã mồ hôi không phải bệnh nhân nào cũng có biểu hiện đủ. Sau khi hết cơn sốt rét, bệnh nhân làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ trở lại bình thường cho đến khi cơn sốt rét quay trở lại theo chu kỳ. Cơn sốt rét tái phát có xu hướng ngắn dần lại và nhẹ hơn ở những người bệnh lớn tuổi, có tiền sử sốt rét với nhiều năm sinh sống tại vùng sốt rét lưu hành.
Cần chú ý rằng, trong sốt rét sơ nhiễm, khi bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn cơn sốt rét có chu kỳ, cơn sốt cũng có đủ 3 giai đoạn rét run, nóng sốt, vã mồ hôi như cơn sốt rét tái phát.
Phân biệt sốt rét tái phát với một số bệnh khác thường gặp
Để tránh chẩn đoán nhầm lẫn, cần phân biệt một cách rõ ràng sốt rét tái phát với một số bệnh nhiễm khuẩn khác thường gặp vì các bệnh này cũng có những triệu chứng tương tự.
Đối với bệnh nhiễm trùng huyết: Thường có các đường xâm nhập cơ thể qua da, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu... với tình trạng nhiễm độc nặng. Có thể ghi nhận bệnh nhiễm trùng huyết có nhiều cơn rét run trong ngày nhưng cơn sốt không có 3 giai đoạn rõ rệt như rét run, nóng sốt, vã mồ hôi và giảm nhiệt độ kế tiếp nhau như trong cơn sốt rét. Khi xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao; tốc độ lắng máu cao; cấy máu có vi khuẩn gây bệnh.
Đối với bệnh viêm đường tiết niệu: Thường có triệu chứng lâm sàng sốt liên tục, có thể thành cơn nhưng không thành chu kỳ. Có các triệu chứng rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu dắt... Khám có thể phát hiện được các điểm đau ở cơ quan tiết niệu. Xét nghiệm nước tiểu thấy có hồng cầu, bạch cầu, trụ hạt. Chụp phim Xquang, siêu âm có thể thấy sỏi đường tiết niệu.
Đối với bệnh viêm đường dẫn mật: Bệnh nhân thường đau ở vùng đường mật, túi mật hoặc gan. Triệu chứng sốt liên tục và có nhiều cơn rét run trong ngày. Người bệnh có tình trạng nhiễm độc nặng, thường bị vàng da, vàng mắt. Xét nghiệm thấy bạch cầu máu ngoại vi tăng cao, tốc độ lắng máu cao. Siêu âm có thể thấy thành đường mật, túi mật dày lên hoặc có sỏi.
Đối với bệnh áp-xe gan: Bệnh nhân thường đau vùng gan, sờ thấy gan sưng to nhiều, dấu hiệu rung gan dương tính, Ludlow dương tính. Siêu âm dễ dàng phát hiện ổ loãng âm.
Lời khuyên của bác sĩ
Để khắc phục tình trạng sốt rét tái phát, cả bệnh nhân, bác sĩ và các cơ sở y tế cùng cần quan tâm đến vấn đề này để bảo đảm yêu cầu của việc điều trị. Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị, không uống đúng thuốc, đủ liều theo chỉ định. Bác sĩ, cơ sở y tế phải thực hiện đúng nguyên tắc điều trị sốt rét theo phác đồ quy định, đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho người bệnh các hiểu biết cần thiết để hợp tác điều trị. Một điều quan trọng cũng cần chú ý là sốt rét tái phát có thể chẩn đoán nhầm lẫn với một số bệnh thông thường khác và ngược lại nên phải được cảnh giác.
BS. Nguyễn Văn Hà/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/can-lam-gi-khi-bi-sot-ret-tai-phat-n169093.html