Cho tặng hiến, tạng-cho đi là còn mãi

Thứ 7, 15.06.2024 | 14:51:39
471 lượt xem

Việc ký kết sẽ tạo một khung pháp lý mạnh, tạo phong trào tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng tích cực. Phong trào chắc chắn dễ triển khai hơn khi mỗi cán bộ y tế ở mọi miền Tổ quốc đều áp dụng chuyển đổi số để hưởng ứng.

Lễ ký kết hưởng ứng “Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng-cho đi là còn mãi”.

Chiều 14/6, tại Hà Nội, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức Lễ ký kết hưởng ứng “Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng - cho đi là còn mãi” do Thủ tướng Chính phủ phát động và khởi động.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho biết: Hưởng ứng phát động của Thủ tướng chính phủ, các cán bộ ngành y tế đang thuộc và trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam là những thầy thuốc như mẹ hiền, có tấm lòng cao cả, nhân ái đã ngày đêm âm thầm cống hiến vì sức khỏe nhân dân khi tham gia tích cực đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Những nghĩa cử này không chỉ thực hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn là những tấm gương nói đi đôi với làm, là hình ảnh tuyên truyền hiệu quả nhất cho người dân làm theo.

Cho tặng hiến, tạng-cho đi là còn mãi ảnh 1

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại lễ ký kết.

Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Tháng 6 năm 1992, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành y tế, lần đầu tiên chúng ta đã thực hiện thành công ca ghép thận trên người. Trải qua 32 năm hình thành và phát triển, Việt Nam đã thực hiện ghép hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy.

Ngày 12/1/2023 Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người giai đoạn 2024-2027. Chương trình đã mở ra bước ngoặt mới, mạnh mẽ sâu rộng và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký và hiến tặng mô, tạng sau chết, chết não.

Từ Chương trình phối hợp ba bên, các hoạt động tuyên truyền được lồng ghép với các hoạt động của các bên. Các bệnh viện được thành lập Chi hội Vận động tại bệnh viện đã lan tỏa nghĩa cử nhân văn, nhân ái.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân viên y tế, cán bộ, đoàn viên công đoàn, hội viên Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về những ý nghĩa nhân văn cao đẹp của việc hiến mô, bộ phận cơ thể người. Từ đó, các tầng lớp nhân dân tự nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não, hiến xác khi qua đời theo quy định của pháp luật vì mục đích nhân đạo cứu chữa người bệnh và nghiên cứu khoa học.

Cho tặng hiến, tạng-cho đi là còn mãi ảnh 2

Công đoàn Y tế Việt Nam tri ân Thạc sĩ, nữ điều dưỡng Lộ Thị Thủy Linh.

Tổ chức tôn vinh, tri ân, thăm hỏi, động viên, chăm lo cho người hiến sống và gia đình có người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau chết/chết não tại địa phương và người được hiến tặng.

Vận động, huy động nguồn lực để chăm lo, thăm hỏi, động viên người hiến sống và gia đình có người hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người sau chết/chết não tại địa phương và người được hiến tặng.

Đồng thời, nghiên cứu tham gia xây dựng các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động ngành Y nói chung và đội ngũ thực hiện công tác tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người nói riêng.

Tại buổi ký kết, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội thầy thuốc trẻ đã tổ chức tri ân Thạc sĩ, nữ điều dưỡng Lộ Thị Thủy Linh (40 tuổi, làm việc tại khoa Phụ sản, Bệnh viện E) bị ngừng tim đột ngột từ đầu tháng 3/2024, đã có nghĩa cử cao đẹp để cứu sống 4 bệnh nhân khác.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/cho-tang-hien-tang-cho-di-la-con-mai-post814407.html

  • Từ khóa