Bệnh viêm não xuất hiện rải rác quanh năm, đặc biệt gia tăng vào mùa hè do thời điểm này miền bắc nắng nóng, thỉnh thoảng có mưa và xen kẽ đợt không khí lạnh. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ bị nhầm sang bệnh khác nên nhiều người chủ quan, khi đưa tới viện đã trong tình trạng nặng.
Bệnh nhi nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
P.T.T (7 tuổi, ở Nghệ An) được đưa cấp cứu từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng viêm não Nhật Bản, sốt cao, co giật, phải thở máy, hôn mê. Bé đã được tiêm 3 mũi vaccine viêm não Nhật Bản nhưng chưa tiêm nhắc lại sau đó.
Sau 5 ngày điều trị, cháu đã thoát thở máy nhưng chịu di chứng tổn thương não như yếu nửa người bên phải, tay trái bị run… Về lâu dài, bệnh nhi còn nhiều khó khăn về nhận thức, ngôn ngữ, yếu tay chân và phải tập phục hồi chức năng.
Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 7 trẻ bị viêm não, trong đó có 2 ca viêm não Nhật Bản.
Bệnh nhi đang được điều trị tích cực. |
Trường hợp còn lại là N.D.K (7 tuổi, ở Thái Nguyên) cũng nhập viện với chẩn đoán viêm não Nhật Bản, nhưng nhẹ hơn. Trường hợp này phải điều trị tăng áp nội sọ nhưng có tiến triển tốt hơn. Hiện cháu còn yếu và tinh thần chưa tỉnh táo.
Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết, viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt, bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%) như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một số người sống sót.
Từ đầu năm tới nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 50 ca viêm não và hàng trăm ca viêm màng não do virus, vi khuẩn. Bệnh viêm màng não nguy hiểm ở chỗ có thể lây qua đường hô hấp, triệu chứng lâm sàng thường dễ bị nhầm sang bệnh khác. Nhiều cha mẹ chủ quan, bỏ qua triệu chứng ban đầu của viêm não, vì vậy, trẻ thường đến bệnh viện muộn.
Trong 71 ca viêm não Nhật Bản từ tháng 6/2022 đến tháng 8/2023 tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ sống khỏi khoảng 50%, còn lại là di chứng thần kinh từ nhẹ đến nặng. Thường trẻ phải phục hồi chức năng, sau 1-3 năm có thể hồi phục, có thể đi lại được, nhưng cũng có cháu không cải thiện. Tổn thương tri giác và trí tuệ hiện vẫn chưa đánh giá hết được.
Viêm màng não do não mô cầu là bệnh lý rất nguy hiểm, nhiều dấu hiệu dễ nhầm lẫn, nếu không được xử trí kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.
Ngày 11/6, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhân đến từ Bắc Kạn. Đó là 2 bố con cùng được chẩn đoán viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Trước đó ít ngày, mẹ và con gái anh đã tử vong cùng triệu chứng ban đầu.
Chỉ trong vòng 5 ngày, 2 người trong gia đình anh Đ.V.D (38 tuổi, Bắc Kạn) đều tử vong nghi do mắc viêm màng não do não mô cầu. Con gái (22 tháng tuổi) xuất hiện sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng liên tục, kèm theo nổi ban xuất huyết vùng gối và mặt sau lan ra toàn thân, lơ mơ, ăn uống kém.
Gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế gần nhà khám và điều trị. Sau đó em bé được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, đã tử vong sau đó. Mẹ anh cũng xuất hiện triệu chứng 3 ngày sau và tử vong sau vài giờ vào viện.
Sau cái chết của mẹ và con gái, bệnh nhân và con trai (11 tuổi) cũng xuất hiện biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn sau ăn, không đại tiện phân lỏng, được nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị. Tại đây, kết quả chọc dịch não tủy, cho thấy dịch đục, được chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu. Sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, 2 bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi và điều trị.
Viêm màng não mô cầu được xếp là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam với các ca mắc bệnh được ghi nhận mỗi năm. Bệnh nguy hiểm khi gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên và cứ 2 trong số 10 người mắc bệnh sẽ gặp các di chứng như liệt, điếc, thiểu năng trí tuệ… suốt đời.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, khác với các bệnh mạn tính có thời gian tiến triển dài, viêm màng não mô cầu có thể khởi phát rất đột ngột với các triệu chứng như sốt, xuất hiện ban đỏ hay còn gọi là tử ban sau đó lan ra nhanh chóng, lúc này tính mạng của người bệnh chỉ còn tính bằng giờ.
Vi khuẩn não mô cầu gây ra hai bệnh thường gặp và nặng nề nhất là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết, ngoài ra có thể gây viêm ở các vị trí ngoài màng tim, niệu đạo, phổi, kết mạc, khớp…
Bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng viêm màng não đầy đủ. |
Để phòng viêm não, viêm màng não nói chung, bác sĩ Nam khuyến cáo ngoài giữ vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân, cần có chế độ dinh dưỡng nâng cao thể trạng, đeo khẩu trang, diệt muỗi - đặc biệt ở các vùng chăn nuôi gia súc, vùng núi phía Bắc có dịch tễ có virus sẵn.
Cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vaccine đủ và đúng lịch. Thường sau 3 mũi tiêm ở 2 năm đầu đời, trẻ cần được tiêm nhắc lại các mũi sau 3-5 năm sau, đến khi 16 tuổi. Hiện các nhóm huyết thanh gây bệnh viêm màng não mô cầu phổ biến ở Việt Nam gồm A, B, C, Y, W-135 đã có vaccine phòng ngừa, trong đó vaccine não mô cầu B thế hệ mới được sản xuất theo công nghệ tiên tiến tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi, giúp phòng ngừa sớm và hiệu quả trên nhóm B cao hơn.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/gia-tang-tre-mac-viem-mang-nao-post815036.html