Theo chuyên gia Viện Hàn lâm Y khoa Pháp, tỷ lệ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong 60 ngày sau cơn gút là 2,5/1.000 ca. Việc điều trị bệnh gút thường thất bại vì nhiều lý do.
Tại buổi ký kết hợp tác nghiên cứu giữa Viện Gút, Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trường Đại học Paris Cité (Pháp) về mô hình điều trị biến chứng bệnh gút và vòng xoắn bệnh lý phức tạp giai đoạn nặng của nhiều bệnh mạn tính kèm theo, vừa diễn ra ở TPHCM, Giáo sư Thomas Bardin, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y khoa Pháp cho biết, gút là một bệnh mãn tính thường bị nhầm lẫn với viêm khớp cấp tính.
Một trường hợp mắc bệnh gút biến chứng nặng (Ảnh: VG).
Bệnh gây lắng đọng urat natri trong các khớp, do tăng axit uric máu vượt điểm bão hòa (360μmol/L). Cơn gút cấp sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu tình trạng tăng acid uric máu kéo dài mà không được điều trị.
Bệnh nhân có thể tạo thành các hạt tophi, gây phá hủy xương, đau khớp kéo dài, mất chức năng vận động, chất lượng cuộc sống bị suy giảm nghiêm trọng. Khi bệnh nhân nghỉ việc, sử dụng dịch vụ chăm sóc thường xuyên dẫn đến tổn thất kinh tế lớn.
Đáng chú ý, bệnh nhân gút thường đi kèm các bệnh lý khác, như hội chứng chuyển hóa (thừa cân, tiểu đường, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ…), tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch, suy thận. Điều này càng gây khó khăn hơn trong việc điều trị.
Bệnh nhân gút bị lắng đọng urat natri trong khớp chân (Ảnh: VG).
Theo Giáo sư Thomas Bardin, tỷ lệ bệnh nhân gút tử vong cao hơn chủ yếu do nguyên nhân tim mạch. Bệnh nhân có thể kèm theo viêm cấp tính trong các cơn gút. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong 60 ngày sau cơn gút là 2,5/1.000 ca, cao hơn nhiều so với những trường hợp ngoài các cơn gút (1,3/1.000).
Để điều trị gút, nguyên tắc cơ bản là làm sao hạ được acid uric trong máu về ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, việc điều trị thường thất bại vì nhiều lý do, như: khó đạt được sự tuân thủ lâu dài của bệnh nhân; bệnh được hiểu là tình trạng cấp tính; bệnh nhân sợ tác dụng phụ; bệnh nhân ngừng điều trị ngay khi triệu chứng cải thiện; giáo dục điều trị và tổ chức chăm sóc kém.
Chuyên gia nhận định, vấn đề không nằm ở sự sẵn có của các phương pháp điều trị mà ở tổ chức điều trị. Do đó, cần xây dựng mô hình chăm sóc chuyên sâu để điều trị bệnh gút và các bệnh đồng mắc.
Bệnh nhân sau khi điều trị theo mô hình chăm sóc chuyên sâu đã tiêu hết các cục tophi ở chân (Ảnh: VG).
Cụ thể, cơ sở điều trị cần tăng cường các trang thiết bị, gồm công nghệ thông tin, siêu âm, phòng xét nghiệm sinh học. Bên cạnh đưa vào sử dụng thuốc hạ acid uric trong điều trị bệnh gút, phải có quy trình chăm sóc các bệnh đi kèm như đái tháo đường, suy thận, tim mạch, gan.
Nhân viên y tế cần đánh giá toàn diện về bệnh gút và các bệnh đồng mắc của bệnh nhân, để lên phác đồ chi tiết và cập nhật cho từng bệnh lý. Bệnh nhân sẽ được kết hợp phương pháp điều hòa miễn dịch bằng hoạt chất thiên nhiên có kiểm soát và y học hiện đại, cộng với tư vấn dinh dưỡng.
Sau khi cung cấp thuốc và hẹn lịch tái khám, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và kiểm soát sự tuân thủ điều trị.
Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Viện Gút cho biết, mục tiêu lâu dài mà mô hình điều trị trên hướng đến là hạ và duy trì nồng độ acid uric máu dưới điểm bão hòa, làm tan hết tinh thể urat muối lắng đọng gây viêm đau khớp, tiêu hết các cục tophi là nguyên nhân gây phá hủy và biến dạng khớp. Chỉ có như vậy, bệnh mới không còn tái phát.
Theo dantri.com.vn