Người tiêu dùng có thể nhận biết được hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm chế biến sẵn trên bao bì. Với thực phẩm đã mở, chỉ nên sử dụng trong một tuần sau đó
Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật dinh dưỡng - thực phẩm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), đã khuyến cáo như vậy tại diễn đàn sinh hoạt chuyên đề "Dinh dưỡng lành mạnh - Hiểu đúng về thực phẩm chế biến sẵn" diễn ra mới đây.
Theo bác sĩ Hương, thực phẩm chế biến sẵn là một phần của chế độ ăn uống đa dạng, là xu thế tiêu thụ trong xã hội hiện đại.
Chuyên gia dinh dưỡng cho rằng hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm chế biến sẵn có sự thay đổi trong quá trình chế biến và bảo quản
"Hiện người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn của thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, một trong những mối quan ngại chính là hàm lượng chất bảo quản và phụ gia thực phẩm, điều này đòi hỏi người tiêu dùng phải thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất uy tín"- bác sĩ Hương nói.
Hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm chế biến có sự thay đổi trong quá trình chế biến và bảo quản. Ví dụ, thực phẩm chứa vitamin A, C, chỉ cần để ngoài ánh sáng cũng có thể làm hao hụt các vitamin. Quá trình nhiệt (lấy thực phẩm từ nhiệt độ lạnh ra ngoài) cũng làm hao hụt hàm lượng vitamin. Ngoài ra, tùy cách chế biến thì hàm lượng các chất dinh dưỡng cũng sẽ mất dần theo thời gian bảo quản.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hương, nhà sản xuất thực phẩm chế biến sẵn sẽ đánh giá, theo dõi hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm sau khi chế biến, từ đó công bố thời gian bảo quản, sử dụng cùng với hàm lượng dinh dưỡng. Tức là người dùng có thể nhận biết được hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm qua thông tin in trên bao bì sản phẩm, bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thực phẩm đã mở bao bì thời hạn sử dụng không kéo dài như ghi trên nhãn bao bì, mà chỉ nên sử dụng trong một tuần sau khi mở.
Ngoài ra, bác sĩ Hương cũng lưu ý việc cấp đông và rã đông đối với thực phẩm là khi đã rã đông rồi, không cấp đông lại.
Xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn ngày càng tăng
"Việc cấp đông lại rất nguy hiểm, vì quá trình rã đông đều có nguy cơ để các vi sinh vật phát triển rất mạnh trong thực phẩm đó. Hơn nữa, sau khi rã đông, thực phẩm không được ủ đông nhanh ngay sau đó, sẽ làm mất nước và biến tính về mặt dinh dưỡng, tức là thực phẩm không còn hàm lượng dinh dưỡng như lúc đầu. Vì vậy, không nên tái cấp đông sau khi đã rã đông thực phẩm"- bác sĩ Hương khuyến cáo.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho trước khi cấp đông thực phẩm, cần rửa sạch thực phẩm, để ráo nước (hoặc sử dụng giấy thấm khô thực phẩm), rồi chia khẩu phần ăn phù hợp, cho vào hộp để cấp đông để tiện sử dụng sau này, đảm bảo thực phẩm tươi ngon, dinh dưỡng tốt nhất.
Với thực phẩm chế biến sẵn, bác sĩ Hương khuyên người tiêu dùng nên chọn thực phẩm từ các thương hiệu uy tín, dán nhãn đầy đủ trên bao bì, giảm đường, giảm muối, không sử dụng chất bảo quản.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/nen-su-dung-bao-quan-thuc-pham-che-bien-san-trong-bao-lau-196240726181800849.htm