Trước ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới, cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu đã khuyến cáo các quốc gia thực thi gói biện pháp MPOWER để phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tăng thuế để tăng giá thuốc lá được cho là giải pháp quan trọng để ngăn ngừa khả năng tiếp cận thuốc lá của giới trẻ.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde; từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine; từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá…
Để ngăn chặn tác hại của thuốc lá, WHO đã khuyến các các quốc gia thực thi gói sáu chính sách/biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả. Sáu biện pháp đó là: M (Monitor): theo dõi việc sử dụng thuốc lá và thực thi các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá; P (Protect): bảo vệ mọi người khỏi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động; O (Offer): hỗ trợ cai nghiện thuốc lá: W (Warning): cảnh báo về tác hại thuốc lá; E (Enforce): thực thi nghiêm các qui định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; R (Raise tax): tăng thuế thuốc lá. Số lượng quốc gia áp dụng gói các biện pháp MPOWER tiếp tục tăng hàng năm.
Tại Việt Nam, với quyết tâm dành quyền ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng, từ năm 2012 Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối tổ chức triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc...
Đến nay Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá cao. |
Báo cáo tổng kết mười năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá cho thấy, nhờ có nhiều nỗ lực của các cơ quan liên quan, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm, từ 47,4% (năm 2010) xuống còn 38,9% (năm 2023). Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% (năm 2013) xuống còn 2,78% (năm 2019); ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống còn 1,9% (năm 2022). Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.
Tuy nhiên, những kết quả này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Một số nghiên cứu cho thấy, ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Sử dụng các sản phẩm thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.
Với quyết tâm dành quyền ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Chiến lược đã đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể, từ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng, đến ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong cộng đồng. Vào ngày 13/5/2024 vừa qua Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.
Để thực thi hiệu quả Luật phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như những nội dung của Chiến lực quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, đòi hỏi ngành y tế và các bộ, ngành liên quan cần bám sát các mục tiêu và thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Áp dụng gói chính sách/biện pháp MPOWER sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Theo nhandan.vn