Phòng tránh loãng xương như thế nào?

Thứ 7, 04.01.2025 | 08:55:43
228 lượt xem

Bà Nguyễn Thị Mai (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) hỏi: Đề nghị bác sĩ cho biết, dấu hiệu của bệnh loãng xương, tác hại và cách phòng tránh như thế nào?

Về vấn đề này, bác sĩ Bùi Thị Thúy, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Loãng xương là một căn bệnh về xương, trong đó mật độ xương giảm xuống mức thấp khiến cho xương trở nên yếu và dễ gãy. Mặc dù không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, loãng xương vẫn là một trong những căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới cũng như Việt Nam. 

Phòng tránh loãng xương như thế nào?
Ảnh minh họa. Nguồn: trungtamytevandon.vn 

Có nhiều nguyên nhân gây ra loãng xương, như quá trình mất mật độ xương diễn ra nhanh hơn khi con người già đi, đặc biệt là sau độ tuổi 50, khi sự tái tạo xương giảm dần. Phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn nam giới, đặc biệt sau khi mãn kinh, do sự thay đổi nội tiết tố (giảm estrogen). Người có tiền sử gia đình bị loãng xương sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Thiếu canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống có thể làm giảm mật độ xương, khiến xương dễ gãy. Lối sống ít vận động làm cho xương không được kích thích để tái tạo và phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, việc sử dụng một số thuốc, đặc biệt là corticosteroid và thuốc chống co giật, có thể làm giảm mật độ xương nếu sử dụng trong thời gian dài.

Việc phát hiện bệnh loãng xương sớm thông qua đánh giá mật độ xương (DXA) là rất quan trọng, giúp bác sĩ xác định mức độ tổn thương của xương và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Phòng ngừa loãng xương là vấn đề cần được quan tâm ngay từ khi còn trẻ. Một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với lối sống tích cực có thể giúp bảo vệ xương và giảm nguy cơ mắc bệnh. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khối lượng xương và sức khỏe xương trong suốt cuộc đời, vì xương là mô hoạt động, cần đủ chất dinh dưỡng trong quá trình tái tạo và khoáng hóa. Các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như protein, vitamin D3 và canxi, đã được chứng minh là ảnh hưởng đến quá trình điều hòa tái tạo xương, trong khi các vi chất dinh dưỡng khác có liên quan đến cân bằng xương.

Thuốc lá và rượu có thể làm giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Hạn chế hoặc bỏ hẳn thói quen uống rượu và hút thuốc lá sẽ giúp xương khỏe mạnh hơn. Hạn chế thực phẩm chứa quá nhiều muối và caffeine vì muối có thể làm giảm sự hấp thụ canxi, trong khi caffeine có thể làm giảm mật độ xương. Không sử dụng quá nhiều thực phẩm có đường vì đường làm giảm khả năng hấp thụ các khoáng chất quan trọng cho xương. Nên tập luyện thể thao thường xuyên, các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, hoặc tập yoga có thể giúp cải thiện mật độ xương, đặc biệt là các bài tập tác động lên xương như nâng tạ và các bài tập chịu trọng lực. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý: Trọng lượng cơ thể quá thấp có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, trong khi béo phì cũng có thể gây ra các vấn đề về xương. Một trọng lượng cơ thể hợp lý (duy trì chỉ số BMI trong khoảng 18,5-24,9 kg/m2) sẽ giúp duy trì mật độ xương tốt hơn.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/suc-khoe-tu-van/phong-tranh-loang-xuong-nhu-the-nao-809955

  • Từ khóa