Ngày Tết cảnh giác với đồ uống có đường

Thứ 4, 22.01.2025 | 09:04:10
61 lượt xem

Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ đồ ngọt, đặc biệt đồ uống có đường, tăng cao dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe. Một chai nước ngọt có thể chứa 40-50g đường, trong khi mỗi ngày chúng ta chỉ nên tiêu thụ 25g.

Cứ mỗi dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, trong đó có các loại đồ uống có đường. Nhiều người thậm chí có quan điểm chỉ vài ngày Tết cứ thả phanh chắc không sao, tuy nhiên, ít ai biết rằng vị siêu ngọt đó có thể dẫn đến vô vàn hệ lụy liên quan đến sức khỏe.

Giật mình nguy cơ bệnh tật bủa vây vì uống nhiều đồ uống có đường

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, danh sách bệnh do sử dụng thường xuyên đồ uống có đường gây ra tương đối dài. Sử dụng thường xuyên đồ uống có đường khiến năng lượng nạp vào cơ thể nhiều, khi không dùng hết sẽ chuyển thành mỡ. 

Đường vào máu làm tăng đường huyết rất nhanh, cơ thể phản ứng bằng cách tăng tiết insulin chuyển vào tế bào. Việc này thường xuyên dẫn đến hiện tượng kháng insulin, kéo theo đó là bệnh đái tháo đường và một loạt các bệnh như bệnh tim, tăng huyết áp… 

Ngày Tết cảnh giác với đồ uống có đường - 1

Tiêu thụ nhiều, thường xuyên đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì.

Lý do, đường trong đồ uống có đường là dạng lỏng được hấp thụ trực tiếp vào máu nhanh chóng nên được dung nạp nhanh mà không qua chuyển hóa như đường dạng rắn.

Điều này khiến cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo vừa dung nạp để gửi tín hiệu no đến não bộ giống như cách mà cơ thể phản ứng với lượng calo từ thức ăn dạng đặc. 

Vì vậy, chúng ta vẫn tiếp tục nạp năng lượng vào một cách không kiểm soát dẫn tới dư thừa năng lượng, từ đó dẫn đến tình trạng dư thừa calo. 

Đường fructose (loại đường phổ biến được thêm vào đồ uống có đường) làm tăng quá trình sinh nhiệt, tăng triglyceride (chất béo trung tính), kích thích tiêu thụ oxy nhiều hơn so với đường glucose, nhưng lại tạo ra các kích thích insulin nhỏ hơn rất nhiều.

Điều này làm cản trở quá trình chuyển hóa glucose, tăng tích tụ mỡ ở gan và nhiều bộ phận khác trong cơ thể, dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ và thừa cân, béo phì.

Không những thế loại đồ uống này còn làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác. 

Cụ thể, đường lỏng trong mặt hàng này khi được dung nạp vào cơ thể làm thay đổi quá trình trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng đến insulin, cholesterol và các chất chuyển hóa gây ra huyết áp cao và viêm nhiễm.

Những thay đổi này đối với cơ thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường túyp 2, bệnh tim mạch, sâu răng, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan…

Đặc biệt, sử dụng đồ uống có đường thường xuyên, không kiểm soát làm gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. 

Những người uống từ 2 lon đồ uống có đường/ngày trở lên có nguy cơ mắc ung thư trực tràng nhiều hơn 2 lần so với nhóm người không hoặc ít sử dụng. Uống nhiều đồ uống này còn làm giảm khả năng sinh sản, tác động xấu đến sức khỏe của xương. 

Làm gì để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường?

Ở Việt Nam, tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng mạnh trong những năm qua. Theo số liệu Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) đã tăng 4 lần từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023. 

Mức tiêu thụ tính trên đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, tăng 3,5 lần từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên thành 66,5 lít/người năm 2023.

Ngày Tết cảnh giác với đồ uống có đường - 2

Thạc sĩ Đinh Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (Ảnh: N.M).

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trước đó, Thạc sĩ Đinh Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu lên thực tế, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ tốt cho sức khỏe theo khuyến cáo của WHO (dưới 25g/ngày). 

"Vì thế, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại đồ uống này giúp làm tăng giá sản phẩm, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, một loạt các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…  

Chính sách này mang lại 3 hiệu quả gồm: Cải thiện sức khỏe cộng đồng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất về năng suất lao động trong tương lai", bà Thủy phân tích. 

Vì vậy, Việt Nam cần có biện pháp hiệu quả để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng được WHO khuyến cáo nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác hại của đồ uống đối với sức khỏe. Đến nay có 117 quốc gia áp dụng chính sách thuế với đồ uống có đường trong đó 104 quốc gia đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt trên phạm vi toàn quốc. 

Bằng chứng từ các quốc gia thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm đồ uống có đường cho thấy mức tiêu thụ sản phẩm này đã giảm đáng kể so với các nước không áp dụng thuế, đồng thời giảm tỷ lệ mắc bệnh béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến thừa cân béo phì. 

Cụ thể, nghiên cứu ở Anh cũng đã cho thấy áp thuế đồ uống có đường có thể giúp phòng tránh hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường túyp 2 mỗi năm và giảm gần 270.000 trường hợp răng sâu làm mất hoặc phải trám răng hàng năm. 

Tại Việt Nam, nghiên cứu của trường Đại học Y tế Công cộng năm 2022 cũng đã chỉ ra nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 20% trên giá bán lẻ đối với đồ uống có đường thì tỷ lệ thừa cân và béo phì có thể giảm lần lượt là 2% và 1,5%.

Từ đó, phòng tránh được hơn 81.000 ca đái tháo đường túyp 2 và tiết kiệm được 24,55 triệu đô la Mỹ chi phí y tế. 

WHO cũng cho rằng Việt Nam cần xem xét đưa ra một lộ trình tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm tăng thêm 20%.

Điều này nhằm giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm này và đảo ngược xu hướng gia tăng nhanh chóng mức tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có đường hiện nay. 

Mức thuế theo tỷ lệ 10% trên giá xuất xưởng sẽ có tác động rất khiêm tốn đến giá bán lẻ của đồ uống có đường (khoảng 5%) và do đó tác dụng giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường cũng rất khiêm tốn. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/ngay-tet-canh-giac-voi-do-uong-co-duong-20250121165926371.htm

  • Từ khóa