Đầu tư gần 150 tỷ đồng và đã 10 năm trôi qua, khu tái định cư thủy điện Plei Krông tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, vẫn hầu như hoang hóa.
Khu tái định cư ở Đăk Long được xây dựng trên một dải đồi thấp, lọt thỏm giữa bốn bề núi cao. Chị Y Mít cùng gia đình đang sống ở đây, trong trong căn nhà xây, tường gạch chưa tô, xung quanh là mấy hàng cà phê lúp xúp, lưa thưa trái. Cảnh nhà chị Y Mít như vậy đã thuộc diện ổn nhất ở làng tái định cư vì đa số các căn nhà xung quanh còn không lắp cửa, cỏ dại um tùm. Chị Y Mít cho biết, mình là một trong số các hộ cố bám trụ. Các hộ xung quanh đã dời bỏ vì điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở đây đều rất thiếu thốn.
Khu tái định cư nhìn từ trên cao. |
“Ở đây thiếu đất trồng lúa, làm rẫy nên nhiều hộ đã bỏ đi tìm nơi có đất rộng để trồng trọt. Còn việc làm thuê, làm mướn thì được trả công thấp hơn nơi ở cũ. Đề nghị nhà nước cấp thêm đất sản xuất để bà con sản xuất”, Y Mít chia sẻ.
Dự án Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Ðăk Long, được Ban quản lý các dự án huyện Đăk Hà triển khai từ năm 2009, với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và phần bồi thường, hỗ trợ của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam. Mục tiêu của dự án là bố trí 580 ha đất sản xuất, 110 ha đất ở và đất vườn, đủ để ổn định cho 300 hộ với 1.500 nhân khẩu thuộc vùng di dân lòng hồ thủy điện Plei Krông.
Tuy nhiên, đến hết thời hạn của dự án (năm 2015), mục tiêu đề ra không đạt được, UBND tỉnh Kon Tum phải gia hạn đến năm 2018. Nhưng cho đến nay, thêm 2 năm nữa đã trôi qua, Ban quản lý đã chi hết 133 tỷ đồng (bằng hơn 89% kinh phí toàn dự án), nhưng chỉ bố trí được 126 hộ dân. Trong đó, chỉ có 60 hộ định cư, 66 hộ khác vẫn phải đi về giữa nơi ở cũ và vùng đất mới, xa đến hơn 20km.
Thực tế một khu vực trong làng tái định cư. |
Theo ông Kiều Đức Dân, Chủ tịch UBND xã Ðăk Long, ở khu tái định cư bây giờ, hộ nào được cấp nhiều nhất là hơn 6 sào đất sản xuất; hộ ít chỉ hơn 4 sào. Diện tích này lại được tách làm 2 khu vực cách xa nhau, nên sản xuất không thuận lợi. Nước sinh hoạt cho người dân ở làng tái định cư cũng là bất cập lớn, khi các hộ phải dùng chung giếng, các giếng chỉ đủ nước dùng trong mùa mưa, còn mùa khô hầu như cạn kiệt. Ông Kiều Đức Dân cho biết, cùng với những hệ lụy về đời sống kinh tế, những bất cập trong dự án tái định cư ở xã còn làm phát sinh nhiều hệ lụy về xã hội.
“Thực tế là dân ở đây không có đất sản xuất. Việc làm thì rất hạn chế, nên số hộ nghèo cận nghèo hàng năm đều phát sinh. Các tệ nạn xã hội, do không có việc làm nên tụ tập uống rượu, chây ỳ. Dân lên đây nhận đất, nhưng lại sớm đi chiều về, nền việc học tập của con em là không quản lý được. Đề nghị sớm hoàn thành dự án này để giúp người dân ổn định cuộc sống”, ông Kiều Đức Dân cho hay.
Kinh phí cho dự án đã chi gần 90%, nhưng không mục tiêu nào đạt được. Trong đó, số dân được sắp xếp chỉ đạt 126 hộ (bằng 42% mục tiêu) và không có hộ nào thực sự an cư lạc nghiệp. Mục tiêu “định cư” của dự án đang rất xa vời, khi nước sinh hoạt ở đây vẫn thiếu trong nửa năm, đất sản xuất chỉ đáp ứng 1/3 đến 1/4 định mức kế hoạch, nhà cửa vẫn tềnh toàng tạm bợ… Theo ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, để đạt được các mục tiêu đã đề ra cho dự án này, không cách nào khác là phải có thêm kinh phí.
Nhiều nhà ở còn chưa có cửa, cỏ dại um tùm. |
“Về phía huyện, tới đây sẽ xin tỉnh đầu tư một dự án mới, nối tiếp với dự án này, để có kinh phí, từ từ sẽ khắc phục các tồn tại”, ông Hà Tiến thông tin.
Hơn 10 năm triển khai, chi hết 133 tỷ đồng, dự án tái định cư ở xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh KonTum vẫn chưa đi đến đâu. Các hộ dân trong vùng dự án tái định cư ở xã Đăk Long vẫn hàng ngày, hàng tháng đợi chờ trong cảnh thiếu thốn trăm bề, cảnh ăn nhờ, ở đậu tứ tán khắp nơi./.
Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên
https://vov.vn/tin-24h/lang-tai-dinh-cu-o-kon-tum-10-nam-nguoi-dan-van-khong-the-an-cu-1089841.vov