TP HCM muốn địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới

Thứ 4, 09.09.2020 | 08:15:29
632 lượt xem

Hệ thống đường hầm hơn 200 km được xây dựng phức tạp, bí ẩn ở Củ Chi sẽ được đệ trình lên UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Nội dung này vừa được UBND TP HCM đề cập trong văn bản xin ý kiến Bộ Quốc Phòng về chủ trương lập hồ sơ di tích địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới.

Địa đạo Củ Chi có ba tầng, tỏa ra nhiều nhánh dài thông nhau, cách mặt đất 3-10 m. Du khách tham quan phải khom người khi đi vào tầng hầm đầu tiên. Ảnh: Quỳnh Trần.

Địa đạo Củ Chi có ba tầng, tỏa ra nhiều nhánh dài thông nhau, cách mặt đất 3-10 m. Du khách tham quan phải khom người khi đi vào tầng hầm đầu tiên. Ảnh: Quỳnh Trần.

Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) được Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015 với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.

Theo UBND thành phố, địa đạo Củ Chi đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Cụ thể, đây là một trong những căn cứ cách mạng điển hình và có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Các lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hồng Đào, Trần Hải Phụng... sống và làm việc tại đây, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Sài Gòn - Gia Định. Đây cũng là nơi các lực lượng vũ trang và nhân dân sinh sống, trú ẩn, tổ chức trận địa chiến đấu, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Khu hầm được đào để làm nơi may quân trang, quân dụng, nghủ ngơi của bộ đội. Ảnh: Quỳnh Trần.

Khu hầm được đào để làm nơi may quân trang, quân dụng, nghỉ ngơi của bộ đội. Ảnh: Quỳnh Trần.

Địa đạo Củ Chi là công trình khoa học quân sự được bảo tồn tốt, gồm một hệ thống đường hầm nhân tạo trong lòng đất với cấu trúc 2 đến 3 tầng thông nhau, dài hơn 200 km; được xây dựng một cách tinh vi, phức tạp, bí ẩn có đầy đủ chức năng để sinh sống và chiến đấu, chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ.

Công trình này còn được đánh giá là chứng tích lịch sử tiêu biểu cho sức mạnh chiến tranh du kích và chiến tranh nhân dân. Nơi đây còn ẩn chứa những giá trị văn hóa phi vật thể nổi bật như ứng xử quan hệ giữa người với người, với người dân và kẻ địch từng đối đầu, những câu chuyện tình yêu, tình quân dân...

Ngày nay, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền bá kiến thức quân sự, khoa học kiến trúc. Đây là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Trước đó, ngày 25/5, UBND TP HCM ra công văn về việc hướng dẫn lập hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đệ trình lên UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới gửi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Sau đó, cơ quan này đề nghị thành phố xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng về chủ trương này.

UBND thành phố cho biết, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng, thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa- Thể thao phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo.

Phòng họp Bộ tư lệnh Quân Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dưới địa đạo Củ Chi. Ảnh: Diadaocuchi.com.vn

Phòng họp Bộ tư lệnh Quân Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dưới địa đạo Củ Chi. Ảnh: Diadaocuchi.com.vn

Một số tiêu chí cụ thể để được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới của UNESCO: là một tuyệt tác của thiên tài sáng tạo; một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử, văn hóa nhân loại; một ví dụ nổi bật về một hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, đại diện cho một hay nhiều nền văn hóa...


Trung Sơn/vnexpress.net

https://vnexpress.net/tp-hcm-muon-dia-dao-cu-chi-la-di-san-the-gioi-4158928.html

  • Từ khóa