Năm học này, nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tại các tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, ngoài việc thiếu thốn về hệ thống trang thiết bị dạy học thì tình trạng thiếu giáo viên cũng đang là nỗi băn khoăn không nhỏ khi năm học mới đã bắt đầu.
Các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng thiếu hàng trăm giáo viên đứng lớp theo định biên
Trường tiểu học Sông Cầu nằm ở trung tâm thành phố thành phố Bắc Kạn, không xa so với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhưng vào đầu năm học 2020-2021, ngôi trường này cũng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp sau khi thực hiện tinh giản biên chế và chấm dứt với giáo viên hợp đồng
"Chúng tôi đang thiếu rất nhiều giáo viên, trong đó giáo viên cơ bản nếu như năm học này tỷ lệ giáo viên để đảm bảo dạy 2 buổi/1 ngày nghĩa là 1,5 giáo viên/1 lớp, thì hiện nay giáo viên của chúng tôi đang thiếu đến 4-5 giáo viên. Chúng tôi xử lý bằng cách là đã giảm số buổi học và hiện nay thì toàn trường đang học 8 buổi trên tuần”, cô giáo Đào Thị Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sông Cầu cho biết.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục tại Bắc Kạn đã tinh giản trên 460 người. Từ năm 2019 các địa phương của tỉnh Bắc Kạn cũng đã chấm dứt hợp đồng với nhiều giáo viên làm công tác chuyên môn. Điều này khiến số lượng giáo viên bị sụt giảm, gây ra tình trạng thiếu giáo viên ở hầu khắp các huyện, thành phố với số lượng ước tính300-400 người theo định biên.
Để đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp, một số trường phải sắp xếp lại số buổi học, huy động cả ban giám hiệu tham gia đứng lớp; thậm chí là dồn ghép lớp, phòng học; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên hoặc tăng cường giáo viên dạy ở nhiều nơi. Hiện nay các địa phương đang thực hiện giải pháp tình thế là ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên trong khi chờ được bổ sung biên chế mới. Bên cạnh đó, một số trường mới sáp nhập, chia tách cũng xảy ra tình trạng thiếu cả cán bộ quản lý.
"Khi sáp nhập trường Tiểu học Cao Trĩ với Thượng Giáo có tới 5 điểm trường, hiện nay trường Tiểu học Thượng Giáo chỉ có 1 cán bộ quản lý thôi, 1 mình là hiệu trưởng, chưa có hiệu phó thì mọi hoạt động cũng rất hạn chế. Ví dụ như đi thăm các điểm trường rất ít, và đến dự giờ thăm lớp cũng rất hạn chế", cô giáo La Hoàng Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Giáo, huyện Ba Bể nói.
Tình trạng thiếu giáo viên rơi chủ yếu vào bậc học Mầm non và Tiểu học
Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp cũng xảy ra tương tự với tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là ở bậcTiểu học do số tiết học theo quy định đã tăng thêm hơn 500 tiết. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết, hiện thống kê sơ bộ các địa phương còn thiếu từ 250-300 giáo viên, sở cũng đã đã đề xuất việc tuyển dụng viên chức nhằm bổ sung thiếu hụt.
"Hiện nay theo Luật Giáo dục thì giáo viên Mầm non có trình độ chuẩn là Cao đẳng, Tiểu học và trung học cơ sở là đại học. Bản thân hiện nay đã thiếu rồi, tới này nguồn tuyển tại chỗ của các bậc sẽ là thiếu. Hiện nay các em sinh viên chưa có việc làm ở Cao Bằng đa số đều có trình độ Cao đẳng cả, tới tuyển sẽ theo trình độ chuẩn là đại học thì nguồn tuyển sẽ khó, nếu không có các em sinh viên dưới xuôi lên thì sẽ là khó với Cao Bằng", ông Dương nói.
Trước thực trạng thiếu giáo viên đứng lớp, giải pháp tình thế đang được các đơn vị triển khai đó là ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi khó có thể khiến người lao động an tâm công tác.
Về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp triệt để nhằm đảm bảo số cán bộ đứng lớp theo quy định, giảm tải áp lực cho giáo viên, góp phần nâng cao hơn chất lượng dạy và học tại địa phương./.
Công Luận/VOV-Đông Bắc