Cùng với đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng nhân lực, ngành y tế đã khuyến khích các y, bác sĩ nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Thiết thực trong điều trị
Những năm qua, bệnh thoát vị bẹn được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Nhưng vết mổ khi khâu bị căng, đau, dễ tái phát. Bác sĩ Phan Chí Dũng, Trưởng khoa Ngoại – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết: Với xu hướng can thiệp ít xâm lấn, năm 2017, chúng tôi đã nghiên cứu triển khai kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng đặt lưới. Dùng phương pháp mới này, bệnh nhân sẽ ít đau, ít tái phát, đảm bảo thẩm mỹ. Đề tài được nghiệm thu tháng 11/2017, từ đó đến nay, BVĐK đã thực hiện thành công kỹ thuật này cho hơn 100 bệnh nhân.
Không riêng bác sĩ Dũng, từ năm 2016 đến nay, cán bộ, bác sĩ BVĐK tỉnh đã thực hiện 55 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 4 đề tài cấp tỉnh, 28 đề tài cấp cơ sở, 23 đề tài năm 2020 đang thực hiện. Ông Trương Quý Trường, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi khích lệ cán bộ, bác sĩ đăng ký thực hiện các đề tài nghiên cứu, tạo điều kiện tối đa về cơ chế, kinh phí, nhân lực, máy móc. Vì thế, 100% đề tài nghiên cứu khoa học của đơn vị được ứng dụng trong điều trị, đạt hiệu quả cao.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính sử dụng thuốc đúng cách
Cùng với BVĐK tỉnh, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học cũng được Bệnh viện Phổi Lạng Sơn quan tâm với 5-9 đề tài/năm. Gần đây nhất là đề tài “Quản lý bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính điều trị ngoại trú và giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị tại Lạng Sơn” của bác sĩ Phương Văn Hưởng, Khoa bệnh Phổi (nghiệm thu tháng 11/2019). Đề tài được ứng dụng tại bệnh viện với hơn 500 bệnh nhân, phát huy hiệu quả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giúp người bệnh giảm đợt cấp tính, không phải nhập viện điều trị.
Bà Hoàng Thị Nọng, 77 tuổi ở xã Liên Hội, huyện Văn Quan cho biết: Tôi bị phổi tắc nghẽn mãn tính, có năm phải nhập viện điều trị 4 – 5 lần. Được bác sĩ tư vấn, tôi mới biết là do chủ quan, thấy hết ho tự ý bỏ uống thuốc, dùng thuốc xịt không đúng cách. Sau khi được bác sĩ hướng dẫn tôi đã tuân thủ điều trị. Nhờ đó, hơn 1 năm nay, sức khỏe tôi ổn định.
Thực tế trên cho thấy: việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong ngành y đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Đa dạng các lĩnh vực
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để thuận lợi cho công tác quản lý khoa học công nghệ (KHCN) của ngành, hằng năm, chúng tôi ban hành, sửa đổi các Quy định quản lý hoạt động KHCN kịp thời theo văn bản chỉ đạo của Bộ KHCN và Bộ Y tế, tạo hành lang pháp lý, khuyến khích cá nhân, tập thể tham gia nghiên cứu các đề tài liên quan đến lĩnh vực y tế. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành đã đổi mới cách thức tổ chức hội thảo khoa học, sinh hoạt khoa học theo chuyên đề, chuyên khoa và mời các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam tham dự, chủ trì.
Từ đó, các đề tài nghiên cứu của ngành y ngày càng đa dạng gồm: lĩnh vực quản lý, dự phòng, điều trị. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, ngành y tế đã có 9 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và 343 đề tài cấp cơ sở, tăng 120 đề tài so với giai đoạn 2011 – 2015. Điển hình như: đề tài xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản trên địa bàn tỉnh của Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn, từ sau khi nghiệm thu (năm 2012) đã ứng dụng đào tạo được 246 y tá, điều dưỡng thôn bản và 318 nhân viên y tế thôn bản. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở.
Hay như đầu năm 2020, Sở Y tế nghiệm thu đề tài cấp tỉnh triển khai mô hình điểm kiểm soát kê đơn/bán thuốc kê đơn để sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng đề tài này, đến nay, 405/405 cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý có kết nối với cơ sở dữ liệu dược quốc gia.
NGỌC HIẾU/baolangson