Bộ GD- ĐT cho biết, hoạt động trải nghiệm là nội dung chính khóa bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường cần hiểu đúng tinh thần để thực hiện có hiệu quả.
Năm học 2020-2021, lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào triển khai với học sinh lớp 1. Đây là nội dung mới, bắt buộc nằm trong chương trình chính khóa, xuyên suốt các cấp học.
Ở cấp tiểu học, hoạt động trải nghiệm giúp hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, trong năm học đầu tiên đưa nội dung này vào giảng dạy, không ít phụ huynh còn băn khoăn về phương thức tổ chức cũng như kinh phí môn học.
Trao đổi về nội dung này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm được thiết kế như 1 hoạt động bắt buộc, trong giờ chính khóa, có chuẩn đầu ra và sách giáo khoa.
Hoạt động trải nghiệm có 3 hình thức gồm: Hoạt động theo quy mô nhóm nhỏ, tức hoạt động trong chính các tiết học. Đơn cử như với môn Toán, cuối bài sẽ có phần lệnh yêu cầu học sinh vận dụng các phép cộng trong phạm vi 100 để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Quy môn nhóm vừa giữa các lớp với nhau, học sinh hoạt động tích hợp theo chủ đề, chủ điểm. Nhà trường có trách nhiệm tổ chức các hoạt động này trong thời gian học chính khóa.
Quy mô nhóm lớn được tổ chức toàn trường hoặc rộng hơn, khi các điều kiện của nhà trường đáp ứng được theo đúng yêu cầu.
“Như vậy, cũng có những hoạt động trải nghiệm nhà trường phải tự tổ chức công khai trong khung chương trình chính khóa, nhưng cũng có những hoạt động tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh, học sinh, song những khoản kinh phí trong trường hợp này phải đúng quy định”.
Giải thích thêm về hoạt động trải nghiệm và kinh phí cho hoạt động này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc trải nghiệm trong chương trình mới tại Thông tư 32 là bắt buộc với 135 tiết/năm.
“Hoạt động trải nghiệm ở đây không có nghĩa là cứ thu tiền của phụ huynh, đưa các em lên xe đi chỗ này chỗ kia, như vậy không đúng tinh thần. Hoạt động trải nghiệm có trong mỗi bài học, cuối bài đều có phần phát triển năng lực cho học sinh. Các em có thể luyện tập ngay trong trường, hay qua cuộc sống xung quanh, liên hệ những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tế để biết tính ứng dụng của bài học đó ra sao.
Sau khi kết thúc quá trình trải nghiệm cá nhân, hoặc theo nhóm, học sinh sẽ phải viết báo cáo gửi giáo viên để tổng kết lại quá trình”, ông Thành cho biết.
Với những hoạt động trải nghiệm quy mô lớn, tập trung đông học sinh, đưa các em đi thực tế, nếu có những nguồn tài trợ kinh phí, vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Gấp rút thẩm định SGK chương trình mới cho lớp 2, lớp 6
Từ năm 2021-2022, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tiếp tục được triển khai cho học sinh lớp 2 và lớp 6.
Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị cho triển khai chương trình trong năm học 2021-2022, thời gian qua, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tiến hành thẩm định SGK của 2 khối lớp này.
Ông Nam cho hay, sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 2 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 2, Bộ GD-ĐT đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 NXB, gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong số này, môn Toán có 4 bản mẫu SGK; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 bản; các môn còn lại gồm: tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Hoạt động trải nghiệm mỗi môn có 3 bản mẫu.
Đối với lớp 6, Bộ GD-ĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 6 bản mẫu, tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu SGK.
Thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Hiện nay, việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành vòng 1, các NXB đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, dự kiến thẩm định vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 (đối với lớp 2) và trung tuần tháng 11 (đối với lớp 6)./.
Nguyễn Trang/VOV.VN