Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hiệu quả mạng lưới y tế

Thứ 5, 01.10.2020 | 14:17:24
1,321 lượt xem

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025 (từ ngày 25 đến 27/9/2020), đồng chí Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế đã trình bày tham luận về “Các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Báo Lạng Sơn trân trọng trích đăng nội dung tham luận của đồng chí Nguyễn Thế Toàn.

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Đảng ủy Sở Y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, cùng sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức, người lao động, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả trong công tác, góp phần xây dựng mạng lưới y tế của tỉnh ngày càng hoàn thiện và phát triển theo hướng công bằng, hoạt động hiệu quả; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng lên, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Công tác y tế dự phòng được triển khai thực hiện tốt; đặc biệt, ngay từ đầu năm 2020, ngành đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình mục tiêu y tế – dân số được triển khai cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát. Dân số ổn định,  chất lượng dân số được nâng lên. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường. Hệ thống y tế ngoài công lập ngày càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB).

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Lạng Sơn khám bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: TRIỆU THÀNH

Mạng lưới KCB các tuyến được củng cố và phát triển cả về quy mô và năng lực. Chất lượng KCB có nhiều chuyển biến rõ rệt, số giường bệnh/vạn dân tăng từ 25,8 năm 2015 lên 30,7 năm 2020;  có 9/14 bệnh viện được nâng hạng. Tỷ lệ trung bình thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến tại các đơn vị y tế tăng từ 55% lên 83%. Tỷ lệ trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã tăng từ 10,6% năm 2015 tăng lên 75% năm 2020, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tăng từ 84% năm 2015 lên 100% năm 2020…

Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, việc nâng cao y đức và thái độ phục vụ của cán bộ y tế được tăng cường, kết quả khảo sát đánh giá sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế năm 2019 là 90%, tăng 20% so với năm 2015. Chất lượng nguồn nhân lực y tế được tăng cường, số bác sĩ/vạn dân tăng từ 8,9 năm 2015 lên 11 bác sĩ/vạn dân năm 2020; tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học tăng từ 36,9% năm 2015 lên 42,7% năm 2020;

Công tác KCB BHYT được quan tâm thực hiện, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHXH ngày càng được bảo đảm, số người dân tham gia BHYT đến nay đạt gần 94%. Hệ thống y tế của tỉnh tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: giảm được 68 đầu mối so với năm 2015: thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập 6 đơn vị khối dự phòng; thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đối tượng Ban Thường vụ quản lý về ngành y tế ; sáp nhập 11 trung tâm dân số – KHHGĐ vào trung tâm y tế các huyện, thành phố; giải thể 23/25 phòng khám đa khoa khu vực hoạt động không hiệu quả; kiện toàn hệ thống y tế xã còn 200 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Thực hiện quyết liệt việc đổi mới cơ chế hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp, năm 2015, toàn ngành chỉ có 1 đơn vị tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, có 5 đơn vị ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên; đến nay đã có 2 đơn vị tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển, 20 đơn vị tự bảo đảm được kinh phí hoạt động thường xuyên ở các mức độ khác nhau và chỉ còn 1 đơn vị ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí thường xuyên. Qua đó đã tiết kiệm được trên 250 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước; điều chuyển 624 chỉ tiêu biên chế ngành y cho các đơn vị sự nghiệp khác của tỉnh.

Đến nay, 11/14 bệnh viện triển khai thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế; mạng lưới y, dược tư nhân không ngừng phát triển, hiện có 621 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động, tăng 56 cơ sở so với năm 2015; 100% các nhà thuốc và quầy thuốc thực hiện kết nối thông tin với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển mạng lưới y tế, đưa vào sử dụng các dự án: Bệnh viện Đa khoa tỉnh 700 giường, Bệnh viện Y dược học cổ truyền; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; cải tạo nâng cấp Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng; hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế tại 14/14 đơn vị y tế bằng công nghệ mới. Các trung tâm y tế huyện được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình triển khai bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ như kết nối chẩn đoán bệnh từ xa của các bệnh viện tuyến huyện tuyến tỉnh với các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện đầu ngành; 99% dân số được quản lý hồ sơ sức khỏe trên hệ thống phần mềm

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế còn có một số khó khăn, hạn chế, đó là: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới,  đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, trình độ dân trí và điều kiện kinh tế xuất phát điểm thấp. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đã được đổi mới song chưa thực sự hiệu quả. Chất lượng KCB tuyến xã còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đầu tư của Nhà nước cho y tế mặc dù đã được quan tâm nhưng còn thấp. Nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, phân bố không đồng đều. Thực hiện chính sách thu hút cán bộ y tế có trình độ  chuyên môn cao về công tác tại tỉnh còn chưa hiệu quả…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Đảng bộ Sở Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, giải pháp về quản lý: tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành; củng cố tổ chức bộ máy của các đơn vị, kết hợp thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao vai trò trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường thanh tra, kiểm tra,  phát huy hiệu lực và hiệu quả của hệ thống y tế địa phương.

Hai là, giải pháp về nhân lực y tế: Tăng cường công tác đào tạo; đào tạo cán bộ y tế có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu các đơn vị; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo tuyến; tổ chức tốt các Đề án bệnh viện vệ tinh, nội dung ký kết hợp tác với bệnh viện trung ương …; tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo, đào tạo từ xa; tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ ở các lĩnh vực thanh, kiểm tra…

Ba là, giải pháp về kinh tế y tế: ưu tiên bố trí đáp ứng đủ kinh phí cho các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của ngành; mở rộng các dịch vụ y tế. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ y tế ngoài công lập theo định hướng của nhà nước, tạo điều kiện cho các cá nhân và tổ chức đầu tư vào y tế, nhất là đối với các dịch vụ mà y tế công chưa có điều kiện triển khai thực hiện; chỉ đạo triển khai các đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên danh liên kết… theo đúng quy định của pháp luật để tăng nguồn thu, tái đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị y tế cho các đơn vị; đổi mới cơ chế quản lý về tài chính tại các bệnh viện;

Bốn là, giải pháp về chuyên môn kỹ thuật: Tăng cường phòng chống dịch bệnh, nhất là phòng chống dịch Covid -19, đẩy mạnh thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế – dân số; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong triển khai danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và các danh mục kỹ thuật vượt tuyến. Tăng cường hợp tác chuyên môn với bệnh viện trung ương để phát triển dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt các dịch vụ kỹ thuật cao tại các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện; tăng cường giám sát, hỗ trợ các xã thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; củng cố hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, chú trọng công tác truyền thông tại thôn bản.

Năm là, giải pháp về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế: Tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và các trang thiết bị đã có, rà soát, điều chuyển các trang thiết bị y tế phù hợp với điều kiện và năng lực khai thác của từng đơn vị, tránh lãng phí, nhất là ở tuyến xã; chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị; tăng cường nâng cao trình độ khai thác các trang thiết bị hiện đại, tiếp nhận và khai thác có hiệu quả cao các trang thiết bị đã được cung cấp; huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị y tế cho mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế xã để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.

Theo baolangson

http://baolangson.vn/xa-hoi/suc-khoe/315154-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-va-hieu-qua-mang-luoi-y-te.html

  • Từ khóa