Những năm qua, các cấp công đoàn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, tạo điều kiện cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được tham gia, giám sát mọi hoạt động của đơn vị. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Hằng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn cơ sở (CĐCS) thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức hội nghị triển khai, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác năm đến 100% CNVCLĐ. Trước hết, các cấp công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ công đoàn, chủ sử dụng lao động và CNVCLĐ về thực hiện QCDC ở cơ sở. Nội dung tập trung vào các văn bản pháp luật như: Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Hướng dẫn số 1360/HD-TLĐ của Tổng LĐLĐ về công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc… Từ năm 2019 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 18 lớp tập huấn nghiệp vụ lồng ghép thực hiện QCDC ở cơ sở cho hơn 1.900 lượt cán bộ công đoàn và 3 hội nghị tuyên truyền với hơn 200 người lao động (NLĐ) tham gia.
Đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Lạng Sơn phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội nghị người lao động năm 2020
Ông Hà Văn Huân, Chủ tịch LĐLĐ huyện Cao Lộc cho biết: LĐLĐ huyện quản lý 138 CĐCS, trong đó có 26 CĐCS doanh nghiệp. Hằng năm, LĐLĐ huyện tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ lồng ghép xây dựng QCDC ở cơ sở với hơn 140 cán bộ công đoàn tham gia. Do đó, năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn duy trì kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở với 88,9% CĐCS doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ và 100% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức.
Qua đó cho thấy: việc tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động và NLĐ ở các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện QCDC ở cơ sở. Bà Hoàng Thị Mỵ, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH công nghệ luyện kim VICMET, huyện Hữu Lũng cho biết: CĐCS hiện có 9 tổ công đoàn với 82 đoàn viên. Hằng năm, CĐCS luôn phối hợp tổ chức hội nghị NLĐ vào đầu năm. Tại hội nghị, công nhân lao động sôi nổi tham gia đóng góp ý kiến (bình quân có hơn 10 ý kiến/hội nghị), trong đó có nhiều ý kiến thiết thực được lãnh đạo đơn vị tiếp thu và sửa đổi, bổ sung như: mua thêm quạt gió, máy cơ khí… Nhờ đó, môi trường làm việc của công ty ngày càng được cải thiện, công nhân lao động hăng say lao động, thu nhập bình quân của NLĐ đạt từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.
Cùng với CĐCS Công ty TNHH công nghệ luyện kim VICMET, các CĐCS trên địa bàn toàn tỉnh đã phối hợp với lãnh đạo chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ theo quy định của pháp luật. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 1.207/1.208 CĐCS đạt 99,9% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (còn 1 đơn vị chưa tổ chức do sáp nhập); 72,6% doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ. Thông qua hội nghị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công khai phương hướng, nhiệm vụ công tác, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Qua đó, CNVCLĐ đóng góp ý kiến xây dựng nội quy, quy chế làm việc, thảo luận, thống nhất biện pháp thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công việc.
Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Để CNVCLĐ thực sự phát huy quyền dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, các cấp công đoàn tiếp tục tuyên truyền về sự cần thiết của việc thực hiện QCDC ở cơ sở tới cán bộ công đoàn các cấp và NLĐ. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, đánh giá tình hình, đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở cơ sở. Đặc biệt, gắn thực hiện QCDC với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước để tạo động lực thúc đẩy CNVCLĐ thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
NGỌC HIẾU/baolangson