Dịch tay chân miệng gia tăng sớm, cảnh báo nguy cơ dịch chồng dịch

Thứ 3, 13.10.2020 | 11:22:52
350 lượt xem

Cùng với SXH vẫn ghi nhận số ca mắc tăng, gần đây tại một số tỉnh, thành ghi nhận số mắc tay chân miệng gia tăng nhanh như TPHCM, BRVT, Bình Dương...

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, từ đầu năm đến tháng 9/2020, nước ta nhận 38.704 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có 20.536 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

Số ca mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam 21.054 trường hợp (chiếm 54,4%), miền Bắc 12.671 trường hợp (chiếm 32,7%) miền Trung 4.007 trường hợp (chiếm 10,4%) và Tây Nguyên 972 trường hợp (chiếm 2,5%).

Bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.

So với cùng kỳ năm 2019 (61.226), số mắc cả nước giảm 36,3%. Tuy nhiên, trong các tuần gần đây, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh như TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, tay chân miệng không còn là bệnh mới, trẻ có thể tự khỏi nếu ở thể nhẹ, tuy nhiên cũng rất dễ dẫn đến biến chứng. "Hiện là thời điểm có nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Trong khi sốt xuất huyết vẫn ghi nhận số ca mắc tăng thì các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý trong việc chăm sóc trẻ để tránh dịch chồng dịch"- BS Đỗ Thiện Hải lưu ý.

BS Hải cho biết, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế về bệnh truyền nhiễm, năm 2020, ở nước ta, dịch bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng sớm hơn mọi năm vào tháng 6-7, số mắc cao vào tháng 8. Riêng trong 2 tuần cuối tháng 9, số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh (trung bình trên 3.500 trường hợp mắc/ tuần, tăng nhanh ở cả 4 khu vực, chủ yếu khu vực miền Nam).

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, hiện chưa có vaccine phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9-tháng 11 hàng năm. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. 

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi trẻ bị nhiễm tay chân miệng, không nên bôi các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc lên các mụn nước hay vết lở loét của trẻ. Bởi có thể trẻ không những bị dị ứng, ngộ độc thuốc khiến bệnh nặng thêm mà công tác chẩn đoán bệnh trạng của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn, dễ trở thành dịch...

Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng, chống dịch bệnh như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hàng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng; Giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng. Đồng thời tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của type virus gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virus này./.


Minh Khánh/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/dich-tay-chan-mieng-gia-tang-som-canh-bao-nguy-co-dich-chong-dich-785580.vov

  • Từ khóa