Toàn tỉnh hiện có 1.019 ban nữ công quần chúng (NCQC). Trong những năm qua, các cấp công đoàn đã củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của ban NCQC, tạo điều kiện để tổ chức tốt các hoạt động trong nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Toàn tỉnh hiện có hơn 25.100 đoàn viên, lao động nữ, chiếm 61% tổng số đoàn viên, CNVCLĐ. Bà Hoàng Thị Cúc, Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: Những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã rà soát, vận động thành lập ban NCQC đối với những công đoàn cơ sở (CĐCS) đủ điều kiện. Đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho cán bộ nữ công các cấp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Trước tiên, các cấp công đoàn rà soát tổng thể, tổng hợp, phân tích, đánh giá số lượng, chất lượng hoạt động của ban NCQC ở các CĐCS đặc biệt là khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Trên cơ sở đó tuyên truyền, vận động đối với những đơn vị đủ điều kiện (có trên 10 đoàn viên nữ) thành lập ban NCQC. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã thành lập mới 18 ban NCQC. Ngoài ra, những CĐCS không đủ điều kiện thành lập thì cử 1 ủy viên ban chấp hành phụ trách công tác nữ công.
LĐLĐ tỉnh tổ chức khám sức khỏe cho đoàn viên, lao động nữ khối doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Đến nay, toàn tỉnh có 1.019 ban NCQC với hơn 3.000 ủy viên. Trong đó, có 14 ban NCQC công đoàn cấp trên cơ sở; 964 ban thuộc khối cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và 41 ban thuộc khối doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Bà Nguyễn Bích Hằng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Cao Lộc cho biết: Toàn huyện có trên 2.400 nữ đoàn viên, CNVCLĐ, chiếm 63% tổng số đoàn viên. LĐLĐ huyện đã rà soát, thành lập, kiện toàn và nâng cao hiệu quả ban NCQC để chăm lo đời sống cho CNVCLĐ nữ tốt hơn. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 82 ban NCQC với 248 ủy viên, trong đó có 10 ban NCQC doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Song song với việc thành lập mới, LĐLĐ tỉnh chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho cán bộ nữ công các cấp về kỹ năng, nghiệp vụ công tác nữ công, công tác giới, bình đẳng giới… Từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn tổ chức được 60 lớp tập huấn cho 4.500 lượt cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công. Đặc biệt, cuối tháng 9/2020, LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ban NCQC” thu hút hơn 100 cán bộ công đoàn tham gia với nhiều ý kiến thảo luận, nêu khó khăn trong công tác nữ công ở cơ sở cũng như giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Với sự nỗ lực của các cấp công đoàn, ban NCQC ngày càng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hoạt động, thực hiện tốt vai trò trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của lao động nữ. Hằng năm, nhân dịp 8/3, 20/10, trên 95% CĐCS phối hợp với tổ chức liên quan tổ chức tọa đàm, giao lưu văn nghệ, thể thao, tham quan học tập kinh nghiệm, thi “Nữ công gia chánh”… Đồng thời kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách cho CNVCLĐ nữ theo quy định (từ năm 2010 đến nay tổ chức được 54 cuộc); tham mưu cho lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ học tập, bồi dưỡng, quy hoạch vào các vị trí phù hợp. Đến nay, số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh là 56/225 đồng chí, chiếm 24,9% (tăng 4 người so với năm 2016); lãnh đạo chủ chốt, các phòng, ban cấp huyện là 290/746 đồng chí, chiếm 38,87% (tăng 94 người). Hằng năm có trên 87% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Thực tế trên cho thấy, công đoàn các cấp đã phát huy vai trò của ban NCQC trong chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.
Tại Điều 35, 36, Chương VI, Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI xác định rõ: “Công tác nữ công là nhiệm vụ của ban chấp hành công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật”. |
NGỌC HIẾU/baolangson