Sau nhiều năm thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (Nghị quyết 30a) của Chính phủ đến nay nhiều nơi ở tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa thể thoát nghèo khi còn bộn bề những khó khăn cần giải quyết như mức sống thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao,...
Chính vì vậy, thoát nghèo bền vững đã trở thành quyết tâm chính trị lớn được Đảng Bộ tỉnh Lạng Sơn đặt ra với những mục tiêu hết sức cụ thể trong 5 năm tới.
Xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập được hưởng chế độ chính sách 30a từ năm 2018
Bản Lự thuộc xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn là một trong những địa phương được thụ hưởng chính sách 30a từ năm 2018. Tại đây có khoảng 100 hộ gia đình tham gia mô hình nuôi bò bán chăn thả. Gọi là mô hình nhưng thực tế mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ 1 con bò cái trị giá khoảng 15.000.000 đồng. Sau 2 năm chăm bẵm bò cái mới chuẩn bị đẻ nên chưa thể giúp bản Lự thoát nghèo. Ông Lương Văn Nông (46 tuổi), người Tày tại bản Lự cho biết dù 4 lao động trong gia đình cũng đi làm hồi, lấy nhựa thông nhưng những tháng giáp hạt vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của nhà nước.
“Năm nay cây thông không được giá. Đầu năm được hơn 20.000 đồng đến 21.000 đồng, mấy hôm nay thì được 24.000 đồng/cân. Tổng thu nhập cả gia đình chỉ được khoảng 20-30 triệu đồng/năm”, ông Nông thông tin.
Gia đình ông Lương Văn Nông người Tày, bản Lự, xã Kiên Mộc.
Anh Nông Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Kiên Mộc cho biết số tiền từ Chương trình 30a, xã tập trung đầu tư xây hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ các mô hình giảm nghèo như nuôi bò, trồng ba kích.
“Nguồn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo 30a phân bổ cho xã 2 tỷ 240 triệu đồng và chúng tôi tập trung hỗ trợ người dân phát triển nông, lâm nghiệp như trồng ba kích, nuôi bò, gà và hiệu quả rõ nhất là trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn dưới 11%; Năm ngoái, hộ nghèo của xã là 186 hộ, chiếm hơn 33% nhưng giờ đã giảm còn 64 hộ”, ông Tân cho hay.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, điện đường, trường, trạm được đầu tư, xây mới là những chỉ tiêu cứng dễ nhìn thấy nhưng chưa thể giúp các xã vùng 3 như Kiên Mộc thoát nghèo. Nguyên nhân được xác định là diện tích tự nhiên thì nhiều nhưng đất sản xuất lại ít, không tập trung. Nhiều địa phương cùng nhận được nguồn lực từ các chương trình như 30a, 135, nông thôn mới nhưng chưa đủ mạnh để giúp người dân có sinh kế lâu dài, cải thiện môi trường sống.
Xã Kiên Mộc có 100 hộ dân được hỗ trợ nuôi bò bán chăn thả.
Ông Đặng Đình Đức, Trưởng phòng Lao động – Thương binh – Xã hội và Dân tộc huyện Đình Lập nói: “Nghị quyết của Đại hội Đảng 2020 -2025 của huyện xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và lựa chọn những công trình giảm nghèo có địa chỉ, phân công các ban ngành, đoàn thể, sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả. Thứ 2 là điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết vùng nào sẽ trồng cây chủ lực nào và không đầu tư dàn trải. Qua đó xây dựng các vùng sản xuất tập trung, tạo chuỗi liên kết qua đó cũng thay đổi nhận thức, phương thức tập quán canh tác của các hộ dân”.
Cho đến thời điểm này, Lạng Sơn vẫn còn 107 xã đặc biệt khó khăn, 04 xã an toàn khu, 03 xã biên giới thuộc diện đầu tư chương trình các xã nghèo. Lạng Sơn tiếp tục được lựa chọn là 1 trong những địa phương của cả nước thực hiện Đề án mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới được Quốc hội thông qua. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết cần nguồn lực lớn với cơ chế đặc thù mới có thể thay đổi căn bản, toàn diện ở các xã đặc biệt khó khăn.
Nhiều điểm trường tại các xã vùng 3 được đầu tư, xây mới.
“Đây là chương trình rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn. Để làm hiệu quả thì phải tăng phân cấp cho địa phương nhưng phải gắn với trách nhiệm, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn. Nếu như không có chính sách đặc thù, phù hợp với nguồn vốn đủ thì khó đáp ứng trúng nhiệm vụ của TW và yêu cầu giảm nghèo của tỉnh”, bà Lâm Thị Phương Thanh cho biết thêm.
Số hộ nghèo tại xã Kiên Mộc giảm sâu sau 3 năm thụ hưởng chính sách 30a, còn khoảng 11%.
Với hàng trăm xã miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, nhiệm vụ mà Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đặt ra đến năm 2025 là phấn đấu 100% xã có đường rải nhựa tới tận UBND các xã, 80% đường tới các thôn được cứng hóa. Đây là bước then chốt, làm tiền đề giúp bà con vùng khó phát triển vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng và dễ dàng tiêu thụ sản phẩm khi thương lái có thể vào tận nơi thu mua nông sản, tạo việc làm, tăng thu nhập. Điều quan trọng là những đổi thay tích cực về cơ sở hạ tầng thiết yếu sẽ từng bước giúp người dân tại các xã nghèo nhận ra trách nhiệm để vươn lên thoát nghèo./.
Vũ Miền/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/lang-son-tap-trung-nguon-luc-giup-cac-huyen-30a-thoat-ngheo-814671.vov