Có lợi thế, tiềm năng phát triển nhiều loại hình năng lượng, như thủy điện, điện gió, điện sinh khối, điện rác…, song việc đầu tư, thực hiện các dự án này tại Điện Biên hiện gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, nguồn thu từ các dự án phát triển năng lượng của tỉnh còn thấp, chưa khẳng định được vai trò của ngành công nghiệp năng lượng trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Hiện Điện Biên có 86 dự án phát triển năng lượng, trong đó, thủy điện chiếm nhiều nhất với 68 dự án; điện gió có 13 dự án; điện sinh khối, điện rác có năm dự án; bảy dự án thuộc hệ thống lưới điện truyền tải đã, đang triển khai. Ngoài ra, Điện Biên có 475 khách hàng đã đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 28,896 MWp.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Thông tin về hiệu quả các dự án thủy điện đã, đang triển khai tại địa phương, đồng chí Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Điện Biên cho biết: Đến nay, 18 nhà máy thủy điện đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, tổng công suất lắp máy 263,3 MW, sản lượng điện sản xuất trung bình đạt hơn 700 triệu kW giờ/năm. Nguồn thu thuế VAT, thuế tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường rừng từ 18 nhà máy thủy điện này được hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.
Trong khi đó, 18 dự án thủy điện đang triển khai và 16 dự án thủy điện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư hiện đều chung tình trạng chậm tiến độ hoặc chưa thi công xây dựng; 18 dự án điện gió, điện sinh khối, điện rác hiện cũng chậm tiến độ so với kế hoạch vì vướng thủ tục, quy hoạch kế hoạch và giải phóng mặt bằng.
Riêng các dự án thuộc nhóm dự án lưới điện truyền tải, hiện có hai dự án đã hoàn thành; bốn dự án đã được phê duyệt, khởi công và một dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi quy định trong công tác quy hoạch, kế hoạch; vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng; thay đổi thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện chưa đồng bộ, thiếu thống nhất.
Liên quan các khó khăn, vướng mắc chậm tiến độ các dự án phát triển năng lượng, nguồn điện tại địa phương, ông Sơn cho rằng: Chủ yếu liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; tuyên truyền, vận động nhân dân trong tổ chức thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và công tác phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư của các sở, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt…
Đồng tình với đánh giá thực trạng chậm tiến độ và nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án phát triển năng lượng, nguồn điện đã, đang triển khai mà ông Sơn đề cập, nhiều nhà đầu tư phản ánh khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết do một bộ phận cán bộ, công chức tại một số sở, ngành và huyện đã làm không hết trách nhiệm. Ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên cho rằng: Vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa một số ngành với địa phương, chỉ khi lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thì vướng mắc mới được tháo gỡ.
Về thực trạng nhiều dự án thủy điện chậm do vướng giải phóng mặt bằng; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng tiến độ các dự án, ông Giang cho rằng, bởi đặc thù các dự án này đều sử dụng nhiều diện tích, do vậy, ngay khi bắt tay thực hiện dự án, các nhà đầu tư đều dự liệu thời gian dài hơn để thực hiện các thủ tục này. Vậy nhưng, một số cán bộ tại địa bàn nơi có dự án lại chần chừ, né tránh. “Khi nhà đầu tư đề nghị kiểm tra thực địa để phối hợp giải quyết thì cán bộ ở cơ sở lại trả lời… chờ xin ý kiến. Mà chờ đến khi nào thì lại không có lịch cụ thể!”, ông Giang dẫn chứng.
Chấn chỉnh ý thức làm việc của cán bộ, công chức
Cũng phản ánh tình trạng chậm cho ý kiến, chậm hướng dẫn thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng tại dự án TBA 220 kV Điện Biên, dự án đường dây 220 kV Sơn La-Điện Biên, đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia) thông tin: Để triển khai dự án, đơn vị đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị hướng dẫn xác định chi phí trồng lại diện tích rừng trồng đang trong thời gian đầu tư chưa thành rừng, nhưng gửi văn bản rồi lại đợi… Đến nay vẫn chưa giải quyết được vì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chủ đầu tư phải tự xác định chi phí trồng lại rừng, trong khi việc này không phải chuyên môn của chủ đầu tư.
Không hài lòng với cách tiếp nhận, giải quyết công việc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xem xét lại cách làm, trao đổi thông tin thường xuyên kịp thời với nhà đầu tư... “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho ý kiến linh hoạt xử lý, vậy mà Sở để nhà đầu tư gửi văn bản đến ba lần vẫn chưa xong thì chắc chắn là không được”, đồng chí Lò Văn Tiến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn cho biết: Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, nhất là người đứng đầu phải quyết liệt chỉ đạo hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. “Đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và ủy ban nhân dân các huyện phải chấn chỉnh ý thức làm việc của cán bộ, công chức; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính tránh tình trạng tắc việc vì các lý do như: cán bộ đi họp, đi công tác, đi học… Đặc biệt phải chấm dứt ngay việc để chủ đầu tư phải gửi công văn nhiều lần không xử lý”, đồng chí Phạm Đức Toàn nhấn mạnh.
Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần thường xuyên tương tác, trao đổi kịp thời vướng mắc với ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, nhất là lãnh đạo các sở, ngành và các huyện cần lắng nghe, chủ động trao đổi trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; tránh tình trạng cứ trao đổi công văn đi lại nhiều lần làm mất thời gian và không hiệu quả.
Cùng với đó, lãnh đạo huyện Điện Biên Đông, thành phố Điện Biên Phủ quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với việc giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng thủy điện, dự án lưới điện truyền tải tại địa bàn... Lãnh đạo các ngành, các huyện cần nghiêm túc chấn chỉnh ý thức làm việc của cán bộ, công chức; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm tôn nghiêm, thông suốt; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại địa bàn.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chan-chinh-can-bo-de-thong-dong-nang-luong-o-dien-bien-post771601.html