Do nguồn lực của đất nước có hạn, trong thời gian qua, các dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn I (2017-2020) và giai đoạn II (2021-2025) đều phân kỳ đầu tư, giai đoạn đầu gồm 4 làn xe, giai đoạn tiếp theo mở rộng lên 6 hoặc 8 làn xe.
Tại các đoạn cao tốc đã thông xe tạm, dải phân cách giữa là các khối bê-tông đúc không đáp ứng cho việc lắp cột đèn chiếu sáng cũng như thiết bị ITS.
Khi đi vào khai thác, các tuyến đường cao tốc bắt buộc phải có hệ thống giao thông thông minh (ITS) để phục vụ điều hành, kết nối.
Ngay từ năm 2017, khi triển khai dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn I, một số chuyên gia giao thông đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải nên quy định thống nhất về quy chuẩn dải phân cách giữa để toàn tuyến cao tốc bắc-nam thuận lợi trong lắp đặt cột treo thiết bị ITS và hệ thống chiếu sáng, cũng như đi dây cáp quang, cáp điện,…
Thực hiện điều này, sẽ mang lại lợi ích là không phải đào bỏ, di dời thiết bị ITS cũng như hệ thống chiếu sáng trong quá trình mở rộng, nâng cấp về sau, tránh gây lãng phí cho nguồn lực ngân sách.
Dải phân cách giữa đúc bằng bê-tông thiết kế có nhiều điểm bất cập, không phù hợp và đồng bộ khi lắp đặt cột treo thiết bị ITS và đi cáp quang, cáp điện,... |
Đáng tiếc, các đoạn tuyến cao tốc bắc-nam vừa hoàn thành, đưa vào khai thác vừa qua đã không xem xét đề xuất trên, các dải phân cách giữa đúc bằng bê-tông thiết kế có nhiều điểm bất cập, không phù hợp và đồng bộ khi lắp đặt cột treo thiết bị ITS và đi cáp quang, cáp điện,...
Tại các đoạn cao tốc đã thông xe tạm, dải phân cách giữa là các khối bê-tông đúc không đáp ứng cho việc lắp cột đèn chiếu sáng cũng như thiết bị ITS, đơn vị thi công phải chôn cột ở hai bên mép đường. Về sau này, trong quá trình mở rộng, nâng cấp, đơn vị thi công sẽ phải đào bỏ, di dời hệ thống ITS và chiếu sáng, gây nguy cơ ngưng trệ việc khai thác, tiềm ẩn mất an toàn giao thông và ngân sách Nhà nước phải bỏ ra thêm nguồn kinh phí lớn để di dời hệ thống này.
Muộn còn hơn không, hiện nay dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025) đang triển khai, một lần nữa chúng tôi kiến nghị ngành giao thông xem xét, nghiên cứu thay đổi thiết kế, dừng việc đúc và lắp dải phân cách bê-tông như hiện tại.
Ngành giao thông sớm ban hành quy định thống nhất về thiết kế dải phân cách giữa (áp dụng theo TCVN 12681:2019), đáp ứng yêu cầu lắp cột và đi dây cáp ngầm ngay trong lòng khối bê-tông, tạo hình nối, ghép các đốt với nhau trên đường. |
Cần thay đổi thiết kế để tấm bê-tông có kích thước và hình dáng hợp lý, cho phép đi đường dây cáp quang và dây điện ngầm trong thân tấm bê-tông và chôn cột ở khoảng hở giữa 2 tấm liên tiếp nhau tại tất cả các đoạn tuyến cao tốc đang và sẽ thi công,… Như vậy, các hệ thống ITS lắp đặt trên tuyến sẽ không phải dỡ bỏ khi mở rộng lên 6 làn xe.
Theo chúng tôi, Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành quy định, yêu cầu các dự án thành phần đường cao tốc phải thiết kế dải phân cách giữa (áp dụng theo TCVN 12681:2019), đáp ứng yêu cầu lắp cột và đi dây cáp ngầm ngay trong lòng khối bê-tông, tạo hình nối, ghép các đốt với nhau trên đường, kích thước phù hợp với khoảng cách khoảng 40m, có thể dựng 1 cột điện dùng chung cho chiếu sáng và lắp thiết bị ITS.
Các khối bê-tông này cần bố trí lỗ trống để luồn dây cáp suốt chiều dài dải phân cách giữa…), coi là thiết kế “định hình”, các cơ sở sản xuất căn cứ vào đó để cung cấp cho đơn vị thi công.
Những quy định này cần được áp dụng ngay với các dự án đường cao tốc đang thi công, chưa đến thời điểm lắp đặt dải phân cách giữa. Một số dự án cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác, ngành giao thông nên nghiên cứu để có lộ trình thay thế, lắp đặt bằng dải phân cách giữa theo đúng quy chuẩn, có thể tận dụng dải phân cách giữa tháo dỡ để lắp đặt cho các đoạn đường khác có yêu cầu thấp hơn (như quốc lộ, tỉnh lộ,…) để tiết kiệm.
Đối với các giá long môn lắp thiết bị giám sát (VMS), có thể lắp 1 cột giữa 2 khối bê-tông liền kề và cột đỡ thứ 2 thì xây móng lắp phía bên lề đường (khi mở rộng làn xe, chỉ phải xây lại móng và di dời cột đỡ phù hợp mặt đường mở rộng, nối dài giá long môn. Hiện nay, các cột điện được sản xuất và bán trên thị trường đáp ứng tốt cho mục đích sử dụng này.
Để hoàn thành mục tiêu có 5.000km đường cao tốc từ nay tới năm 2030, Nhà nước đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư. Nếu không “chuẩn hóa” ngay từ đầu, đến thời điểm thi công hệ thống ITS, sẽ xảy ra tình trạng “xé lẻ”, mỗi đoạn làm 1 kiểu, và tác hại hơn, sau này đầu tư mở rộng nâng cấp, những hệ thống này buộc phải dỡ bỏ, thi công lại hoàn toàn, gây tốn kém, lãng phí lớn cho ngân sách, đồng thời phát sinh trở ngại trong điều hành đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do hệ thống ITS ngừng hoạt động.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chuan-hoa-viec-lap-dat-he-thong-its-tren-duong-cao-toc-post772045.html