Dấu ấn chiến thắng đường số 4 qua những hiện vật lịch sử

Thứ 3, 10.10.2023 | 14:49:22
686 lượt xem

Kỷ niệm 73 năm chiến thắng Đường số 4 và Ngày giải phóng Thất Khê, huyện Tràng Định (10/10/1950 – 10/10/2023) là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta. Dấu mốc lịch sử ấy được hiện hữu và lưu giữ trang trọng thông qua hàng trăm tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn tỉnh.


Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu về ý nghĩa hiện vật cho cán bộ, chiến sĩ tại triển lãm chuyên đề “Đường số 4 rực lửa”

Những ngày tháng 10 lịch sử này, Bảo tàng tỉnh đón rất nhiều đoàn khách, học sinh, người dân đến tham quan. Trong số những hiện vật lịch sử được trưng bày, nhiều người bị thu hút bởi hình ảnh “chiếc xe đạp thồ” sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cụ thể là chiếc xe tải lương thực, đạn dược đóng góp trong chiến thắng đường số 4. Ngay bên cạnh là hình ảnh chiếc “kìm cắt dây thép gai” thuộc đơn vị E 174 (đơn vị từng tham gia đánh trận Đông Khê 1950) đã dùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đây là những hiện vật tiêu biểu giúp người xem hồi tưởng lại quá trình vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu tranh cam go, ác liệt của quân và dân Xứ Lạng cùng với Nhân dân cả nước giành chiến thắng đường số 4, tiến tới giải phóng Thất Khê, giúp Tràng Định hoàn toàn giải phóng ngày 10/10/1950.

Hiện nay, các bảo tàng, nhà trưng bày, lưu niệm trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ gần 200 hiện vật lịch sử – cách mạng gắn liền với chiến thắng đường số 4 và chiến thắng biên giới Thu – Đông 1950

Bà Hà Thu Hương, người dân phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi rất xúc động khi được tham quan các hiện vật với những chú thích chi tiết, giúp tôi hiểu hơn về ý nghĩa từng hiện vật và phần nào hình dung được những khó khăn gian khổ của một giai đoạn lịch sử. Qua đây, giúp tôi thêm tự hào về lịch sử quê hương và biết ơn sâu sắc đối với tấm lòng yêu nước và sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.

Không riêng bà Thu Hương, cảm xúc tự hào, biết ơn cũng là cảm nhận chung của rất nhiều người dân và du khách khi tham quan các tư liệu, hiện vật về chủ đề chiến thắng đường số 4 và chiến thắng biên giới Thu – Đông 1950 tại bảo tàng và các nhà lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Được biết, hiện nay, các bảo tàng, nhà trưng bày, lưu niệm trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ gần 200 hiện vật lịch sử – cách mạng gắn liền với thời kỳ này.

Trong đó, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định hiện đang là nơi lưu giữ nhiều hiện vật về dấu mốc lịch sử này nhất với gần 100 ảnh, tư liệu, hiện vật, tiêu biểu như: bộ quần áo ka ki, chiếc mũ cối và đôi dép cao su của Bác; những bức ảnh hoạt động của Bác trong chỉ huy chiến dịch biên giới Thu – Đông… Cùng với đó, tại Bảo tàng tỉnh hiện cũng đang thực hiện tốt công tác bảo quản cũng như phát huy giá trị các tư liệu ảnh, hiện vật liên quan tới thời kỳ này như: máng tre (Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh đã dùng thời kỳ ở phân khu Đông Bắc chỉ huy chiến dịch đường 4); cuốc chim (của người dân đã dùng tham gia phá hoại đường số 4, cản bước tiến của địch); túi đựng lương khô (người dân dùng tiếp tế trong chiến dịch biên giới 1950); báo Việt Lập (số 139, ra ngày 31/5/1950 tường thuật trận Đông Khê); lưỡi lê (vũ khí chiến đấu của quân Pháp ta thu được trong các trận chiến đấu trên mặt trận đường 4 huyện Tràng Định)…

Để phát huy giá trị những tư liệu lịch sử quý giá này, thời gian qua ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực như: đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan và đưa vào bảo quản, trưng bày trong các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, sử dụng hiện vật phục vụ các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố. Đồng thời, các bảo tàng, nhà trưng bày tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử tại các địa điểm này

Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Phòng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thường xuyên tổ chức cho học sinh các cấp đến tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử tại nhà lưu niệm. Cùng đó, đơn vị cũng phối hợp với các doanh nghiệp du lịch đưa nhà lưu niệm trở thành điểm đến đầu tiên trong tất cả các tour tuyến du lịch đến với Tràng Định, đồng thời bố trí thuyết minh viên tại đây. Hằng năm, vào dịp lễ kỷ niệm, nhà lưu niệm tiếp đón từ 500 – 1.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan.

Chiến tranh đã lùi xa, những hiện vật trong các bảo tàng, nhà trưng bày luôn gợi nhớ một thời đạn bom, những hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Những hiện vật đó đã trở thành một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc nói chung và di sản văn hoá của Xứ Lạng nói riêng và sẽ còn mãi với thời gian.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/616215-dau-an-chien-thang-duong-so-4-qua-nhung-hien-vat-lich-su.html

  • Từ khóa