Với chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2023 sẽ được phát động trong tháng 11 tới với đa dạng các hoạt động hướng về phụ nữ và trẻ em gái, với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Đoàn diễu hành áo dài của Thành đoàn Hà Nội tại Festival Thu Hà Nội, tháng 10/2023. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 (Tháng hành động), trong đó xác định đây là điểm nhấn trong năm, là tháng cao điểm trong truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên toàn quốc, nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vào ngày 10/11 tới.
Các địa phương tùy theo tình hình cụ thể cũng sẽ tổ chức Lễ phát động hoặc mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động trong khoảng thời gian từ ngày 10-20/11.
Tháng hành động nhằm mục đích thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Thông qua Tháng hành động sẽ góp phần tăng cường phổ biển, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phổ biến và giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em; đồng thời giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em và đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Các hoạt động chính trong Tháng hành động được triển khai gồm: Tổ chức giải báo chí về bình đẳng giới, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, đối thoại chính sách, truyền thông trên mạng xã hội, diễu hành, sự kiện âm nhạc đường phố, triển lãm tranh/ảnh, cuộc thi, chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao, diễn đàn cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp... về chủ đề bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ xây dựng, xuất bản và phát hành các tài liệu/sản phẩm truyền thông, thông điệp về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Băng-rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, phóng sự, video clip...
Ngoài ra, các buổi gặp gỡ, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là ở cấp cơ sở cũng sẽ được tổ chức, cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy bình đẳng giới như tặng quà, học bổng, cho vay vốn hỗ trợ sản xuất cho các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Các địa phương, đơn vị cũng sẽ tổ chức một số đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong Tháng hành động.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng khuyến nghị việc xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động của Tháng hành động cần linh hoạt để phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.
Theo nhandan.vn