Cao tốc Bắc - Nam tăng tốc

Chủ nhật, 22.10.2023 | 08:29:14
420 lượt xem

Với gần 600 km được đưa vào khai thác trong năm 2023, tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước sẽ được nâng lên gần 1.900 km

Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đang huy động nhân công, phương tiện máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm đưa các tuyến đường bộ cao tốc vào khai thác theo đúng kế hoạch.

Thi công "3 ca, 4 kíp"

Cách đây hơn chục năm (năm 2011), cả nước chỉ có khoảng 139 km đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng. Đến giai đoạn 2012-2017, cả nước có thêm 838 km đường cao tốc mới được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác.

Từ giai đoạn 2018 đến nay, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai đầu tư xây dựng các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) gồm 11 dự án dài 654 km và tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025) với 12 dự án thành phần dài 729 km. Cùng với đó, hàng loạt tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang khác trên khắp các vùng miền cả nước được triển khai đầu tư, nâng số km đường cao tốc trong cả nước được đưa vào khai thác tăng cao.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số đường cao tốc được đưa vào khai thác là hơn 500 km.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT, với việc đưa 2 dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu vào khai thác giữa tháng 10 vừa qua đã nâng tổng chiều dài đường cao tốc ở Việt Nam đến nay lên 1.822 km.

"Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đưa vào khai thác thêm cầu Mỹ Thuận 2 dài gần 7 km và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km. UBND tỉnh Tuyên Quang cũng sẽ hoàn thành đoạn Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40 km. Như vậy, đến cuối năm 2023, cả nước sẽ có 1.892 km đường bộ cao tốc" - ông Vân thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Vân cho biết hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cán bộ, nhân viên, người lao động ngành GTVT, nhất là các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, đã tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm nhằm khắc phục những khó khăn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân, nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ GTVT đã đúc rút từ thực tế, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù triển khai, nhờ đó tiến độ các dự án được tăng lên rõ rệt. Các bộ, địa phương liên quan đang đánh giá, tổng kết việc áp dụng cơ chế đặc thù để tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép áp dụng ở các dự án triển khai trong thời gian tới.

Cao tốc Bắc - Nam tăng tốc - Ảnh 2.

Các đơn vị đang khẩn trương thi công dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú YênẢnh: HỒNG ÁNH

Cao tốc Bắc - Nam tăng tốc - Ảnh 3.

Thi công hầm chui tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TỬ TRỰC

Huy động tổng lực

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu có chiều dài gần 7 km với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, được khởi công tháng 3-2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12-2023. Dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được đầu tư theo phương thức PPP, dài hơn 49 km, khởi công tháng 5-2021, kế hoạch hoàn thành tháng 5-2024, tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỉ đồng. Dự án cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đầu tư theo phương thức PPP, dài 78,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 8.925 tỉ đồng, khởi công tháng 9-2021, kế hoạch hoàn thành tháng 3-2024.

Cả 3 dự án trên đều đang được triển khai thi công quyết liệt ở mức cao nhất.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án), cho biết toàn công trường cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đang huy động gần 2.000 kỹ sư, công nhân, hơn 800 thiết bị máy móc với 101 mũi thi công. Theo ông Việt, để đưa dự án về đích đúng tiến độ, thời gian qua, doanh nghiệp đã phải chấm dứt hợp đồng với một số nhà thầu yếu về năng lực và điều chuyển khối lượng cho các nhà thầu mạnh thực hiện.

Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng đang tăng tốc các hạng mục cuối. Theo lãnh đạo Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, toàn công trường đang tổ chức 74 mũi thi công với 1.600 công nhân, 600 thiết bị máy móc làm ngày đêm. Sau khi hợp long nhịp cầu chính, chủ đầu tư và nhà thầu thi công cầu Mỹ Thuận 2 cũng quyết tâm hoàn thành và thông xe công trình trong tháng 12-2023 theo đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành GTVT cũng đã phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết đã khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần vào ngày 1-1-2023, sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 8/11 dự án thành phần với tổng chiều dài 519 km/654 km...

"Từ bộ trưởng đến các lãnh đạo bộ, cơ quan trực thuộc, ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu thi công đã thực sự vào cuộc với quyết tâm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa" - ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/thoi-su/cao-toc-bac-nam-tang-toc-20231021215752417.htm


  • Từ khóa