Ngày 23/5/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường (Chỉ thị 23). Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 23, cùng với các lĩnh vực khác, công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa đã có những chuyển biến rõ nét, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, qua đó phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh.
Một buổi truyền dạy hát then – đàn tính theo hình thức xã hội hóa tại xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng
Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động văn hóa là một trong các nội dung được chỉ rõ trong Chỉ thị 23. Để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo; các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng chương trình hành động cụ thể. Từ đó, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được thực hiện đồng bộ ở nhiều mặt và đạt được những kết quả tích cực, tiêu biểu như: hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trên địa bàn…
Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Từ năm 2014 đến nay, bà Nguyễn Thị Lợi, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Văn Lãng cùng các hội viên trong Câu lạc bộ (CLB) Nộc Khảm khắc thị trấn Na Sầm đã duy trì đều đặn hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bà Lợi cho biết: Năm 2013, khi tôi đang là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Na Sầm, nắm thông tin về Chỉ thị 23, tôi đã tham mưu trong Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn ban hành kế hoạch và chỉ đạo các chi bộ trực thuộc triển khai thực hiện chỉ thị. Để từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tôi cùng đồng chí Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn đã bàn bạc, tiến hành các thủ tục cần thiết để ra mắt CLB Nộc Khảm khắc thị trấn Na Sầm. Xác định việc vận động hội viên tham gia CLB văn nghệ theo hình thức xã hội hóa ban đầu sẽ gặp khó khăn, chúng tôi tập trung vận động các đảng viên trên địa bàn. Phát huy vai trò gương mẫu của mỗi đảng viên, tháng 10/2014, CLB đã được thành lập với 28 hội viên, trong đó trên 80% là đảng viên.
Từ năm 2013 đến nay, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia đóng góp được hơn 57,2 tỷ đồng; gần 34.600 ngày công và hiến trên 81.000 m2 đất để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở. |
Trong suốt những năm qua, các hội viên trong CLB đã vận động, phát triển thêm hội viên và chủ động xã hội hóa trong đầu tư trang phục, đạo cụ phục vụ quá trình tập luyện. Trung bình mỗi năm, CLB tham gia biểu diễn khoảng 20 chương trình phục vụ các sự kiện của huyện, của tỉnh. Bên cạnh việc xây dựng mô hình mẫu là CLB Nộc Khảm khắc, cấp ủy, chính quyền thị trấn Na Sầm còn tăng cường công tác tuyên truyền tới Nhân dân về Chỉ thị 23 qua đội ngũ đảng viên ở các khu dân cư, tại các cuộc họp khu phố.
“Mưa dầm thấm lâu”, tư tưởng của người dân trên địa bàn dần có sự chuyển biến. Từ việc còn ngần ngại, dè chừng, nhiều người dân đã hiểu vai trò của công tác xã hội hóa, cũng như những tác động mà văn hóa đem lại cho đời sống tinh thần, từ đó, họ chủ động tham gia sinh hoạt tại các CLB theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, trên địa bàn thị trấn đã phát triển thêm 3 CLB văn hóa, văn nghệ thuộc các loại hình ca hát, khiêu vũ, nhảy dân vũ…. với kinh phí xã hội hóa duy trì hoạt động của mỗi CLB được trên 30 triệu đồng/năm.
Đây chỉ là một trong hàng trăm xã, phường, thị trấn có sự chuyển biến rõ nét từ việc thực hiện Chỉ thị 23. Để tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 23 đạt hiệu quả cao, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh còn ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 25 – NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 05 ngày 29/7/2016 của HDND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, khối phố và sân tập thể dục thể thao cho các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020… đồng thời quán triệt triển khai đến cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.
Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quyết định được các cấp ủy đảng tổ chức quán triệt, tuyên truyền rộng rãi, từ đó từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn về phát huy trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong thực hiện Chỉ thị 23. Theo đó, thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các CLB được thành lập và duy trì hoạt động chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, thu hút đông đảo người dân tham gia. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 800 CLB, đội văn nghệ quần chúng (tăng 35% so với năm 2013) với khoảng 10.500 người tham gia.
Hằng năm, nhân dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại cơ sở diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Ước tính mỗi năm có trên 1.500 buổi biểu diễn với kinh phí xã hội hóa khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tổ chức các sự kiện chính trị – văn hóa, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm ủng hộ, tài trợ với số tiền từ 40 triệu đến 300 triệu đồng/năm.
Câu lạc bộ Hát then đàn tính thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan biểu diễn giao lưu tại tượng đài Hoàng Văn Thụ (11/2023)
Thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển bền vững
Từ sự chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Chỉ thị 23, không chỉ trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, công tác xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cũng được Nhân dân đồng tình ủng hộ về mọi mặt. Hiện nay, toàn tỉnh có 54,4% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 99,3% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa, thể thao sau khi đưa vào sử dụng đã được khai thác, phát huy hiệu quả, đáp ứng phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân; đóng góp thiết thực cho phong trào xây dựng gia đình, thôn, khu phố, khối phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, cũng như góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 86,2%, tăng 24,2% so với năm 2013; số thôn, tổ dân cư đạt danh hiệu văn hóa đạt 84,7%, tăng 50,9% so với năm 2013; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá đạt 95,1%, tăng 6,5% so với năm 2013.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Chỉ thị 23 đã có tác động lớn đến nhận thức của các cấp, các ngành và quần chúng Nhân dân về công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực, hoạt động nói chung, trong hoạt động văn hóa nói riêng. Không chỉ xã hội hóa công tác truyền dạy, phổ biến các loại hình dân ca, dân vũ, nghệ thuật trình diễn dân gian phục vụ các nhiệm vụ chính trị, sự kiện, ngày lễ hội hằng năm và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mà thông qua xã hội hóa, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được quan tâm đầu tư, sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng. Đặc biệt là các chương trình, dự án nghiên cứu phi vật thể, kết hợp với trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Qua đó, từng bước thúc đẩy sự nghiệp văn hóa phát triển theo hướng bền vững.
Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 18 dự án phi vật thể được nghiên cứu với kinh phí là 4,45 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 2,02 tỷ đồng (chiếm 44,78%); công tác xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích, đình, đền, chùa, miếu từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa được thực hiện hiệu quả với 42 điểm, khu di tích và các cơ sở thờ tự được đầu tư tôn tạo, chống xuống cấp với 108 lượt trùng tu, tôn tạo, tổng kinh phí trên 154,6 tỷ đồng (trong đó xã hội hóa được gần 98 tỷ đồng, chiếm 63,36%).
Tiêu biểu trong thời gian qua, công tác huy động vốn xã hội hóa xây dựng Đền Chi Lăng (huyện Chi Lăng) được Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai phát động và được các cấp, ngành, Nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Theo đó, về phía địa phương, ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Kể từ khi dự án đền Chi Lăng được khởi công xây dựng đến nay, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn đều tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp. Theo đó, cơ bản 100% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện đều góp sức tham gia xã hội hóa xây dựng đền Chi Lăng với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, để thúc đẩy xã hội hóa xây dựng đền trong giai đoạn 2, vừa qua các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đóng góp được trên 100 triệu đồng.
Được biết tính đến nay, ngoài kinh phí xã hội hóa của địa phương, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng và huy động ủng hộ được hơn 1.300 m3 đá, tương ứng với số tiền 174,9 triệu đồng; Ủy ban MTTQ huyện Chi Lăng đã tiếp nhận gần 500 triệu đồng ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện… Công tác xã hội hóa xây dựng đền giai đoạn 2 hiện đang tiếp tục được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 23 đã mang đến luồng sinh khí mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh. Công tác xã hội hóa không chỉ huy động kinh phí mà còn tạo động lực phát huy tiềm năng sáng tạo, sự cống hiến của người dân với sự nghiệp văn hóa và thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân. Từ đó, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
“Với chủ trương xã hội hóa, từ năm 2013 đến nay, từ gần 200 hội viên thuộc 15 câu lạc bộ trực thuộc, hội đã thu hút và phát triển thêm hơn 300 hội viên đến từ 16 câu lạc bộ dân ca trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, kinh phí do các câu lạc bộ tự xã hội hóa để duy trì các hoạt động giao lưu, biểu diễn của hội trên 100 triệu đồng. Hiện nay, trong hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh đều có sự tham gia của các hội viên Hội Bảo tồn dân ca tỉnh”. Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh |
Theo baolangson.vn