Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, công tác phòng, chống thiên tai thời gian gần đây đã có những chuyển biến lớn, từ “bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa”, góp phần giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại. Dự báo từ nay đến cuối năm, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường nên mỗi địa phương, mỗi người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức, chủ động các phương án phòng, chống để giảm thiệt hại.
Mưa lớn thời gian qua ở khu vực Bắc Trung Bộ đã gây nhiều thiệt hại. Trong ngày 14, 15-11 vừa qua, mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng tại tỉnh Thừa Thiên Huế với gần 15.000 nhà dân bị ngập. Nhiều người dân bất ngờ trước diễn biến phức tạp của mưa lũ.
Bà Nguyễn Thị Bạch Như ở đường Đinh Tiên Hoàng, TP Huế cho biết: “Gia đình tôi có nhận được thông tin về xả lũ nhưng không ngờ thủy điện xả lũ nhiều quá. Nước lên quá nhanh, ngoài sức tưởng tượng nên không kịp trở tay...”.
Qua thực tế tình hình mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra nhiều vấn đề trong công tác phòng, chống thiên tai khi mưa lớn diễn ra cục bộ, trong thời gian ngắn với lượng lớn, từ 600 đến 800mm. Điều này đã khiến nước trên các sông dâng cao, các hồ thủy điện phải xả lũ để tránh nguy cơ vỡ đập. Theo đồng chí Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cần có giải pháp tổng hợp để quản lý các hồ chứa vừa và nhỏ, tránh tình trạng xả lũ bất ngờ gây ngập lụt cho vùng hạ du.
Bộ đội Trung đoàn 6, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế giúp Trường Mầm non Thủy Thanh 1, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy khắc phục hậu quả lũ lụt. Ảnh: MINH TÚ |
Các cơ quan chức năng cần thực hiện quản lý nước trong hồ chứa vừa và nhỏ theo hướng sử dụng nước tổng hợp đa mục tiêu; nghiên cứu việc sử dụng quy trình sử dụng nước từ cao trình đến mực nước lũ được thiết kế để nâng hiệu quả cắt giảm lũ. Đồng thời, các địa phương cần chia sẻ nhiều hơn nữa thông tin về khu dân cư, khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất...
Vào tháng 4-2018, 6 xã thuộc 6 địa phương, gồm: Lào Cai, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đồng Tháp đã triển khai thí điểm Dự án “Xã an toàn về phòng, chống thiên tai”. Mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là ý thức của người dân.
Tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng), người dân đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai bằng cách chuẩn bị nơi trú ẩn an toàn, chuẩn bị áo phao, nhu yếu phẩm bảo đảm sinh tồn trong nhiều ngày.
Anh Võ Thanh Trực, người dân xã Hòa Nhơn cho biết: “Gia đình tôi chọn tầng 2 làm nơi trú ẩn khi có lũ. Ở đó, tôi đã chuẩn bị đầy đủ áo phao, các loại nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước. Nếu có lụt, gia đình tôi yên tâm ở đó khoảng 15-20 ngày chờ lực lượng đến ứng cứu, di dời”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường, ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến các địa phương đã có nhiều phương án hướng dẫn người dân phòng, tránh thiên tai với phương châm 4 tại chỗ và huy động sức mạnh cộng đồng. Công tác phòng, chống thiên tai thời gian gần đây đã có những chuyển biến lớn từ “bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa”.
Cụ thể, trong công tác dự báo thiên tai, nước ta đã rất quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng-thủy văn quốc gia và hệ thống thông tin chuyên ngành. Đến nay đã tự động hóa được 3.000 trạm quan trắc khí tượng-thủy văn trên toàn quốc. Các loại hình thiên tai nguy hiểm như mưa lớn diện rộng đã được cảnh báo trước 2-3 ngày, với độ chính xác lên đến 75%.
“Ngoài đầu tư về khoa học-công nghệ, xây dựng lực lượng trong phòng, chống thiên tai thì công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về thiên tai cũng rất quan trọng. Phải tuyên truyền cho người dân ở vùng có nguy cơ nắm rõ dấu hiệu của các hiện tượng thiên tai, biện pháp để ứng phó. Bên cạnh đó, với các vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ nên xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai tập trung, tận dụng các công trình kiên cố như nhà văn hóa, trường học để làm nơi tránh trú cho người dân khi mưa lũ diễn biến phức tạp. Với các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, cần thực hiện song song các biện pháp, gồm: Hướng dẫn người dân cách nhận biết sạt lở đất, cách di chuyển tránh thương vong. Đồng thời, tiến hành quy hoạch các khu dân cư, khu tái định cư để đưa người dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến sinh sống”, đồng chí Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, xuất hiện mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung là rất cao. Hơn nữa, nước ta là nơi thường xuyên hứng chịu các hình thái thiên tai cực đoan nên qua mỗi cơn bão, trận lũ, những bài học kinh nghiệm của cả chính quyền, cơ quan chức năng và người dân cần được đúc kết để công tác ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai ngày càng hiệu quả, kịp thời.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chu-dong-phong-chong-de-giam-thiet-hai-do-thien-tai-752902