Hơn 280 tấn gạo dự trữ quốc gia được xuất cấp đến người dân ở huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng. Thời hạn hoàn thành giao, nhận gạo xong trước ngày 31/12/2023.
Vừa qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) ban hành quyết định về việc xuất gạo dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Lát.
Đây là đợt cấp gạo thứ 6 năm 2023 cho địa phương này.
Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát lập kế hoạch, phương án và thời gian tiếp nhận gạo gửi Cục Dự trữ Nhà nước khu vực để tổ chức thực hiện việc giao nhận.
Ngoài ra, đơn vị này tổ chức, xuất kho, vận chuyển, giao, nhận gạo hỗ trợ địa phương theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Văn bản số 15316/BTC-TCDT ngày 14/12/2020 về xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng và Thông tư số 51/2020/TT-BTC ngày 2/6/2020 của Bộ trưởng Tài chính Quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia xuất để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ và quản lý kinh phí bảo đảm cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.
Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo được giao xuất cấp nêu trên cho địa phương kịp thời, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng và thời gian quy định.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Mường Lát triển khai tiếp nhận gạo; đồng thời phối hợp Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa trong việc giao, nhận gạo để kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Quyết định số 1910/QĐ-TTg ngày 24/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm tỉnh (thành phố Thanh Hóa) 246km. Đến nay, huyện có 8 xã và 1 thị trấn, với 6 dân tộc Thái, H’Mông, Khơ Mú, Dao, Kinh, Mường cùng chung sống. Kết quả tổng điều tra năm 2019 cho thấy, toàn huyện có gần 40 nghìn người.
Theo nhandan.vn