Nâng chất lượng để thu hút người dân sử dụng xe buýt

Chủ nhật, 10.12.2023 | 00:00:00
367 lượt xem

Mạng lưới xe buýt hiện đang vận chuyển lượng hành khách lớn nhất, đóng vai trò không thể thay thế trong hệ thống phương tiện vận tải hành khách công cộng của Hà Nội. Thời gian qua, lượng hành khách đi xe buýt có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên nếu so với nhu cầu vẫn còn ở mức khiêm tốn. Để thu hút hơn nữa người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân, cần tiếp tục nâng cao chất lượng xe buýt, qua đó, góp phần khắc phục ùn tắc giao thông.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội), hiện nay, mạng lưới xe buýt của Thủ đô có 154 tuyến, trong đó 130 tuyến trợ giá. Lượng khách đi xe buýt trong 9 tháng năm 2023 tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm 2022, đáp ứng khoảng 19,5% so với nhu cầu. Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, chất lượng dịch vụ xe buýt được quan tâm từ khâu quản lý điều hành, xây dựng chính sách đến chất lượng dịch vụ, sự phù hợp với người dân. Đồng thời, các đơn vị xe buýt tích cực triển khai chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nhà chờ và đổi mới phương tiện. Hà Nội hiện có hơn 2.000 xe buýt, độ tuổi trung bình khoảng 3,5 năm, trong khi theo quy định không quá 20 năm, chất lượng phương tiện tốt và có 13% phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường.

Nâng chất lượng để thu hút người dân sử dụng xe buýt
 Xe buýt đón trả khách tại Hà Nội. Ảnh do Tổng công ty Vận tải Hà Nội cung cấp

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là ở Hà Nội lượng người dân sử dụng xe buýt còn ít so với phương tiện cá nhân. Một trong những nguyên nhân do tốc độ di chuyển của xe buýt còn chậm, mất nhiều thời gian. Tốc độ trung bình trong khu vực nội thành của xe buýt chỉ hơn 16km/giờ, ở ngoại thành hơn 26km/giờ và có xu hướng ngày càng giảm. Mức tăng trưởng phương tiện cá nhân khoảng 4,5% trong khi diện tích đường giao thông chỉ tăng khoảng 0,2-0,3% dẫn đến sức ép lên hạ tầng giao thông của Hà Nội ngày càng lớn. PGS, TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải đánh giá, tắc đường là nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng đến tốc độ của xe buýt, gây bức xúc, khó chịu cho người tham gia giao thông, cản trở người sử dụng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như thói quen của người dân, thích đi xe cá nhân hơn, nhất là xe máy vì nhanh, tiện.

Ở góc độ đơn vị khai thác xe buýt, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus cho rằng, hành khách sẽ đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt thông qua lời ăn, tiếng nói, sự tận tâm của tài xế, nhân viên. Hằng ngày, lái xe, nhân viên trên xe buýt phải chịu nhiều áp lực vì lượng hành khách phục vụ lớn. Cùng với việc giúp mỗi lái xe, nhân viên hiểu được vai trò của mình, đơn vị vận hành xe buýt cũng có các quy định, quy tắc ứng xử, giúp giải quyết các tình huống đặt ra trong thực tế. Mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30-35% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô đặt ra không ít thách thức. Để hiện thực hóa mục tiêu này không chỉ cần nhiều giải pháp đồng bộ mà còn phải có sự đồng hành, chung tay của cộng đồng.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-chat-luong-de-thu-hut-nguoi-dan-su-dung-xe-buyt-754745

  • Từ khóa