TP Hồ Chí Minh: Nhà hàng, quán ăn điêu đứng vì vắng khách

Thứ 5, 14.12.2023 | 09:18:50
588 lượt xem

Trong giai đoạn cao điểm cơ quan chức năng kiên quyết xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, nhiều hàng quán trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trở nên ế ẩm, vắng khách. Một số dịch vụ đi kèm cũng bị ảnh hưởng, người kinh doanh loay hoay tìm hướng cầm cự.

Tình trạng vắng khách đang diễn ra tại nhiều quán ăn, nhà hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Từng được mệnh danh là “thiên đường ăn nhậu” thu hút lượng lớn khách về đêm, thế nhưng đến tận 21 giờ, nhiều quán nhậu trên đường: Phạm Văn Đồng, Nơ Trang Long, Hoàng Sa, Trường Sa… vẫn đìu hiu, vắng vẻ.

Nếu như trước kia, cứ khoảng tối, khách ra vào nườm nượp tại các quán bar thì đến nay, con số này cũng chỉ còn lác đác. Thậm chí, ở một số nơi, dù đã mở cửa từ buổi chiều, nhân viên vẫn “dài cổ” chờ đợi bên những dãy bàn trống được xếp ngay ngắn.

Khách nhậu “bốc hơi”

Lo sợ bị xử phạt, lại vướng phải tình hình kinh tế khó khăn, đòi hỏi phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu, nhiều người phải đứng trước lựa chọn: lên kế hoạch khác trong quá trình di chuyển hoặc nhờ người đưa về sau những lần phải vào nhà hàng, quán nhậu.

Anh N.T.T. (trú tại thành phố Thủ Đức) kể lại, gần đây, anh hạn chế uống bia rượu khi lái xe vì đã từng bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn trước đó.

“Tôi đi ăn cùng gia đình, bạn bè nên có uống mấy lon bia và bị kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả là tôi bị giam bằng lái xe hai năm và đóng phạt gần 5 triệu đồng. Sau hôm đó, tôi hạn chế đi nhậu, nếu có dịp gì thì thường tổ chức ở nhà chứ không ra quán nữa”, anh N.T.T. chia sẻ.

Nắm bắt tâm lý lo lắng của dân nhậu từ làn sóng cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, nhiều lái xe xe ôm công nghệ chọn các con phố ăn nhậu làm điểm dừng chân đón khách.

Anh Võ Tuấn Quang (48 tuổi, lái xe hãng xe ôm công nghệ Be) tâm sự, sau khi chở khách đến những quán ở những cung đường quen thuộc, anh thường nhận cuốc xe ở các khu vực lân cận, không đi xa để tiện đón khách ra về trong khoảng thời gian 21-23 giờ.

“Xu hướng dân nhậu bây giờ là đi xe ôm để hạn chế bị thổi nồng độ cồn. Dừng xe ở gần quán nhậu thì dễ bắt khách hơn, nhất là trên đường Phạm Văn Đồng vì đường này cảnh sát thường lập chốt ở các giao lộ”, anh Quang chia sẻ.

Từng là khách hàng quen thuộc của một số quán nhậu trên phố Tây Bùi Viện (Quận 1), chị Nguyễn Thùy Dung tâm sự, trước đây chị và hội bạn thường lui tới đây sau một ngày làm việc nhưng dạo gần đây, công tác kiểm soát trên địa bàn thành phố được thực hiện nghiêm ngặt hơn, chị chủ yếu tìm niềm vui qua những buổi hàn thuyên, trò chuyện.

TP Hồ Chí Minh: Nhà hàng, quán ăn điêu đứng vì vắng khách ảnh 2
Một quán nhậu kết hợp quầy bar trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh) vắng khách dù đang giờ cao điểm.

“Dù biết để duy trì mức nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông rất khó, tôi ủng hộ quan điểm đã say thì không lái xe. Chủ yếu những cuộc hẹn của tôi bây giờ đều ở quán ăn hoặc công viên gần nhà để tiện di chuyển”, Thùy Dung nói thêm.

Thay đổi để ổn định

Thói quen khách hàng thay đổi đòi hỏi các chủ quán phải nhanh nhạy, kịp thời đổi mới phương thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu. Nhân viên Tá Lả Quán (Quận Gò Vấp) cho hay, để cải thiện tình trạng vắng khách, quán nhận giữ xe qua đêm miễn phí và cho khách lấy xe trước 10 giờ sáng hôm sau. Ngoài ra, quán hợp tác cùng hãng xe ôm công nghệ Grab, khuyến khích khách đặt xe sau khi nhậu với mã giảm 30%.

Không thể cung cấp dịch vụ gửi xe qua đêm hoặc chi trả tiền xăng xe chở khách về sau khi quá chén, nhiều quán nhậu có quy mô nhỏ chọn chuyển đổi kinh doanh theo hướng tập trung đầu tư vào chất lượng món ăn, quảng cáo các chương trình khuyến mãi cuối năm trên mạng xã hội…

Hướng đi này vừa phù hợp với xu hướng hạn chế các chất có cồn cho khách hàng, vừa giúp các hàng quán xoay sở, vượt qua khó khăn do bán buôn không như kỳ vọng.

Đại diện các quán nhậu cho biết, bia rượu chiếm 50-60% tổng doanh thu của quán nhưng gần đây, khách ghé quán đa phần chỉ gọi đồ ăn và hạn chế các thức uống có cồn.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, trong 11 tháng của năm 2023, các tiêu chí về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giảm hẳn. Cụ thể, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 1.539 vụ (kể cả va chạm), làm chết 601 người, bị thương 923 người, so với cùng kỳ 2022 giảm 411 vụ (26,7%), giảm 98 người chết (16,3%), giảm 284 người bị thương (30,7%).

Tình hình này khiến nhiều chủ quán phải gồng lỗ, cắt giảm nhân viên. Trong số đó, không ít quán vật lộn với các đầu chi phí: mặt bằng, điện, nước, lương nhân viên… “đếm ngược” ngày sang nhượng, đóng cửa.

Nhìn chung, không chỉ ngành rượu bia và đồ uống có cồn, tổng quan ngành kinh doanh ẩm thực, nhà hàng có sự sụt giảm đáng kể trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, rượu bia giảm cũng là một trong những xu hướng tất yếu trong tương lai.

Việc giảm chi tiêu cho các loại đồ uống có cồn sẽ giúp bảo đảm sức khỏe, đảm bảo văn hóa “trà tam rượu tứ” được thực hiện an toàn, giảm các chi phí liên quan đến khắc phục hậu quả do đồ uống có cồn gây ra trong lĩnh vực giao thông, y tế.

Để cải thiện tình hình quán vắng, anh Trần Nhật Quang, chủ quán nhậu nhỏ tại Quận 3 cho biết, anh hạn chế nhập hàng số lượng lớn và tìm cách giảm chi phí trong khâu chế biến.

“Trong hoàn cảnh này, hàng quán cần có sự sáng tạo về mô hình kinh doanh, chẳng hạn như đẩy mạnh giao đồ nhậu tại nhà. Tuy tình hình chưa cải thiện được ngay, tôi nghĩ đây là cách để quán nhậu không lệ thuộc vào mặt hàng đồ uống có cồn. Đối thực khách, sự thay đổi này là giải pháp nên làm, không đánh cược rủi ro", anh Quang nói thêm.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tp-ho-chi-minh-nha-hang-quan-an-dieu-dung-vi-vang-khach-post787298.html

  • Từ khóa