Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, nhiều đối tượng tìm mọi cách tuồn vào thị trường các loại hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng… để kiếm lời, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Mỗi dịp cuối năm, mặc dù cơ quan chức năng ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái kiểm tra, phát hiện xe tải chở 10 tấn nầm lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh HƯƠNG QUẾ) |
Ngày 3/1, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết vừa phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 6 - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13-Cục QLTT Hà Nội chặn giữ một xe tải chở mỡ lợn đang bốc mùi trên đường đi tiêu thụ.
Theo đó, vào sáng 2/1, trinh sát phát hiện xe ô-tô đi qua địa bàn quận Cầu Giấy có biểu hiện nghi vấn nên đã chặn giữ. Tại trước cổng chợ Cầu Giấy, phường Quan Hoa, các đơn vị liên ngành kiểm tra, phát hiện bên trong đều là mỡ lợn chưa qua chế biến, đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi ôi thiu. Chủ lô hàng cũng là lái xe là Vũ Thành Công, trú tại Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên) khai nhận, toàn bộ số mỡ lợn này được mua trôi nổi từ các cơ sở kinh doanh bì lợn ở Hưng Yên, sau đó mang đi giao cho khách ở huyện Đan Phượng (Hà Nội). Mỗi tuần, đối tượng Công sẽ thu gom một chuyến, sau đó bán lại cho đầu mối để kiếm lời. Tổng trọng lượng số hàng trên là hơn một tấn và đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Càng gần Tết, thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn nhập vào Việt Nam càng nhiều. Theo lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sở dĩ tình trạng thực phẩm bẩn liên tiếp bị phát hiện, xử lý nhưng khó có thể dập tắt là do lợi nhuận quá lớn. Một trong những nguyên nhân khiến các vụ sản xuất, kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) còn do tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra.
Một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn; thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn thực hiện chưa nghiêm; quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ của sản phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức.
Ngày 14/12/2023, Cục ATTP, Bộ Y tế đã có Công văn số 3057/ATTP-NĐTT đề nghị các sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Quản lý ATTP Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh... triển khai các nội dung. Theo đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng triển khai thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội. Bên cạnh đó, phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định; đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn...
Cùng với giải pháp nêu trên, các chuyên gia trong lĩnh vực ATTP cho rằng, nếu chỉ mở những đợt cao điểm hoặc tập trung vào Tháng hành động vì ATTP hay những đợt cao điểm như dịp lễ, Tết… thì chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có những chế tài mạnh hơn nữa; có giải pháp phối hợp giữa các ngành liên quan, mục tiêu là kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng nhập lậu.
Các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nặng như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm; thậm chí, xử lý hình sự với trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh ATTP; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận ATTP; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng lựa chọn.
Mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như tiêu dùng. Khi mua, sử dụng thực phẩm phải lựa chọn những thương hiệu có nguồn gốc rõ ràng, có thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước; đồng thời, thông qua tiếp cận các nguồn tin để lựa chọn và nói không với “chiêu trò” lừa đảo kinh doanh các mặt hàng thực phẩm kém chất lượng bằng hình thức online, trên các trang mạng xã hội.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/no-luc-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-post792998.html