Phú Yên có bờ biển dài khoảng 189 km với hơn 21.000 ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông… rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, tỉnh Phú Yên có hàng nghìn ha vùng biển mở gần bờ và xa bờ có tiềm năng lớn để phát triển nuôi biển công nghiệp.
Ngư dân thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE để phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp. (Ảnh: ANH NGỌC)
Thực hiện Quyết định 1644/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Phú Yên đang tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Giàu lên từ nghề nuôi biển
Xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu nằm giữa đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài. Tận dụng lợi thế mặt nước đầm, vịnh kín gió, người dân trong vùng phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, làm kế sinh nhai. Đảng ủy, chính quyền xã Xuân Thịnh cũng xác định nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực chính trong phát triển kinh tế địa phương. Ông Lê Văn Đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Thịnh cho biết, nhờ nuôi tôm hùm và cá các loại có giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định, đời sống người dân nâng lên rõ rệt; số hộ khá, giàu ngày càng nhiều, hộ nghèo trong xã cuối năm 2023 giảm còn 1,88%. Hiện tại, toàn xã có 881 bè nuôi trồng thủy sản các loại; trong đó có 12.260 lồng nuôi trong khu vực đầm Cù Mông và 953 lồng nuôi ở khu vực vịnh Xuân Đài (bãi trước thôn Vịnh Hòa).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, địa phương xuất bán khoảng 6.000 lồng với hơn 240 tấn tôm hùm thương phẩm và 6,7 tấn cá các loại với tổng số tiền 242 tỷ đồng, dẫn đầu cả nước. “Đảng ủy, chính quyền địa phương đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và đạt các tiêu chí để xã lên phường, nhằm thực hiện mục tiêu chung đến năm 2025 thị xã Sông Cầu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh”, ông Lê Văn Đạo nói. Thị xã Sông Cầu từng được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm hùm. Hiện nay, thị xã có hơn 4.000 hộ nuôi trồng thủy sản (chủ yếu tôm hùm), sản lượng tôm hùm hằng năm đạt khoảng 1.500-2.000 tấn, tương đương mức thu nhập 2.000 tỷ đồng. Số liệu mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2024, thị xã Sông Cầu có tổng số 134.612 lồng nuôi trồng thủy sản, trong đó có 129.321 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm… Sản lượng tôm hùm các loại thu hoạch trong 6 tháng qua ước đạt 958,72 tấn, bằng 101,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Rộn ràng vụ thu hoạch tôm hùm ở thôn Vịnh Hòa, Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. |
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về hướng đi của nghề nuôi biển, ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu cho biết, Ủy ban nhân dân thị xã đã xây dựng Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn với mục tiêu phát triển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao…, nuôi trong bể trên bờ, nuôi xa bờ và nuôi trồng thủy sản gắn kết với phát triển dịch vụ, du lịch. Thị xã rà soát quy hoạch, đề nghị tích hợp 747 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản vịnh Xuân Đài vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2023; 1.000 ha diện tích mặt nước để nuôi thủy sản vùng biển hở, 80 ha diện tích nuôi thủy sản công nghệ cao.
“Nghề nuôi biển phát triển mạnh, đem lại lợi nhuận cao thúc đẩy kinh tế thị xã Sông Cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kinh tế thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản mặt nước biển tiếp tục được duy trì; tôm hùm vẫn là một trong những vật nuôi chủ lực của thị xã”, ông Lâm Duy Dũng cho biết.
Phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 126/KH-UBND về nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh tập trung nuôi biển đối với các loại cá, tôm hùm, nhuyễn thể, rong tảo biển và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Tỉnh xác định sẽ phát triển vùng nuôi trên bờ tại hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; nuôi công nghệ cao tại hạ lưu sông Bàn Thạch 120 ha, vùng nuôi Xuân Bình 100 ha, vùng nuôi xã Xuân Lộc 100 ha. Vùng nuôi trên biển tập trung tại vùng nước vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông. Nuôi biển mở tập trung tại các xã Xuân Cảnh, Xuân Phương (thị xã Sông Cầu), An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Chấn (huyện Tuy An).
Phú Yên phấn đấu nuôi trồng thủy sản trên biển đạt khoảng 2.650 ha vào năm 2025. Sản lượng nuôi đạt khoảng 7.000 tấn; trong đó, ổn định sản lượng nuôi đầm, vịnh khoảng 2.000-2.500 tấn, tôm hùm từ 1.500-2.000 tấn, cá biển các loại khoảng 500 tấn; vùng biển mở, ven bờ và xa bờ khoảng 4.500-5.000 tấn, chủ yếu cá biển khoảng 3.500-4.000 tấn; rong, tảo biển và các đối tượng khác khoảng 1.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích chuyển đổi vật liệu lồng từ thủ công sang HDPE tối thiểu 30% số lồng nuôi theo quy hoạch tại vùng nuôi đầm, vịnh; vùng biển mở sử dụng 100% 3 hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu HDPE, vật liệu mới phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết. Giá trị nuôi biển của Phú Yên đến năm 2025 hướng tới đạt 2.400 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD.
Khu vực nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên. |
Đến năm 2030, Phú Yên mở rộng thêm vùng biển mở xa bờ hơn 6 hải lý thuộc vùng biển 4 huyện, thị xã ven biển; diện tích mặt nước nuôi biển 3.650 ha; sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn. Cùng đó, sử dụng 100% hệ thống lồng, bè, nhà giàn nuôi có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão). Tỉnh cũng chuyển đổi tối thiểu 50% lồng, bè nuôi truyền thống theo quy hoạch trong các đầm, vịnh sang lồng HDPE, sử dụng tối thiểu 30% thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm trên biển đến năm 2030. Cùng với các ngành kinh tế khác, tầm nhìn đến năm 2040 tỉnh Phú Yên phát triển ngành nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại và trở thành ngành hàng chủ lực trong ngành nông nghiệp. Từ đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung. Tất cả lồng, bè được sử dụng vật liệu mới có kết cấu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp trong nuôi biển. Sản lượng nuôi biển đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Giá trị nuôi biển đạt 5.000 tỷ đồng với kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tấn Hổ, để thực hiện hiệu quả đề án nêu trên, tỉnh Phú Yên tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hiệu quả hiện có, Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Phú Yên tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có liên quan đến nuôi biển.
Đồng thời, tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Ngoài ra, tỉnh thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thuc-day-nghe-nuoi-bien-theo-huong-cong-nghiep-hien-dai-post817256.html