Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ban, ngành sớm có kết luận về đánh giá quy mô, giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, di sản đối với hang động được phát hiện tại núi Đụn.
Ngày 19/7, tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, vừa có chỉ đạo liên quan đến vụ việc hang động được phát hiện tại núi Đụn, xã Hà Long, huyện Hà Trung.
Đây là lần thứ hai lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ra "tối hậu thư" chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường về việc khảo sát, đánh giá quy mô, giá trị đối với hang động tại núi Đụn.
Trước đó vào tháng 6, ông Lê Đức Giang cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh này khẩn trương khảo sát, đánh giá quy mô, giá trị, ý nghĩa lịch sử, văn hóa, di sản, du lịch đối với hang động tại núi Đụn.
Núi Đụn (Ảnh: Phúc Tuấn).
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, khẩn trương tham mưu, có ý kiến đề xuất việc thực hiện hoạt động khoáng sản tại khu vực phát hiện hang động ở núi Đụn. Việc khảo sát, đánh giá phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật khoáng sản.
Trước đó như báo Dân trí đã đưa tin, núi Đụn nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45km về phía bắc, thuộc địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung.
Núi Đụn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ đá cho Công ty TNHH Tiến Thịnh từ ngày 22/12/2014.
Các nhũ đá với hình thù đẹp tại hang động (Ảnh: Quách Tuấn).
Vào tháng 4 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản tạm dừng khai thác khoáng sản tại núi Đụn để khảo sát, đánh giá các giá trị của hang động được phát hiện trong núi Đụn.
Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng xác định hang động có quy mô rộng, gồm 4 cửa thông nhau. Hang động này có nhiều nhũ đá tự nhiên với tạo hình kỳ thú, có mạch nước ngầm chảy ra di tích cấp tỉnh Hồ Bến Quân, nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Ngoài ra, tại khu vực nền hang động có một số di vật đồ gia dụng bằng gốm, có niên đại lịch sử (dấu vết khảo cổ) cần được tiếp tục nghiên cứu.
Khảo sát của các nhà nghiên cứu lịch sử còn cho thấy, núi Đụn có mối liên hệ mật thiết, nằm trong không gian của khu vực núi Triệu Tường - nơi có di tích quốc gia Lăng miếu Triệu Tường.
Hang động tại núi Đụn đã được nhân dân địa phương phát hiện từ lâu. Đây từng là nơi trú ẩn của nhân dân trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt tưới tiêu cho người dân xã Hà Long.
Theo dantri.com.vn