HẢI PHÒNG - Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương quy hoạch bãi cọc Cao Quỳ, huyện Thủy Nguyên, thành khu di tích lịch sử với diện tích 5 ha.
Ngoài ra, thành phố cũng quy hoạch vùng nghiên cứu trải dài từ khu vực bãi cọc Đầm Thượng, xã Lại Xuân về tới Bến Rừng với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Chủ trương trên được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua tại cuộc họp cho ý kiến về một số nội dung trình HĐND thành phố ngày 21/2, ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho biết.
Theo đó, trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, thành phố sẽ hạn chế phát triển công nghiệp, phát triển đô thị có quy mô lớn; không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới; rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép; ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn, tiếp tục thực hiện khảo cổ để xác định các di tích liên quan...
Ngã ba sông Kinh Thầy, Đá Bạch được quy hoạch nghiên cứu. Ảnh: Giang Chinh |
Trước đó cuối năm 2019, trong quá trình lao động sản xuất, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, phát hiện bãi cọc gỗ Cao Quỳ. Kết quả khai quật và đánh giá của các nhà khoa học, nhà sử học cho thấy đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng năm 1288 của quân và dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Ngày 9/2, bãi cọc Đầm Thượng ở khu vực ngã 3 sông Kinh Thầy, Đá Bạch được gia đình anh Đào Văn Đến, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên phát hiện trong ao cá của gia đình. Các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam đang phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên khai quật.
Giang Chinh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/thoi-su/lap-quy-hoach-nghien-cuu-bai-coc-cao-quy-4058875.html