Để ứng phó với cơn bão số 2 (tên quốc tế Prapiroon), tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã cấm biển từ 12h trưa 22/7.
Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Sở GTVT, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển chủ động ứng phó với bão số 2.
Các đơn vị và địa phương ven biển ở Quảng Ninh xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi. Các tàu chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú có thể được cấp phép trước 16h ngày 22/7.
Các đơn vị, địa phương tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển từ 12h ngày 22/7.
Trước diễn biến bão số 2, TP Hải Phòng cũng đã thông báo đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, các hoạt động vui chơi trên biển từ 12h hôm nay (22/7).
Các huyện đảo, địa phương ven biển trên địa bàn Hải Phòng đang tích cực kêu gọi tàu thuyền, chủ động sẵn sàng các biện pháp phòng chống bão số 2.
Hải Phòng và Quảng Ninh cấm biển từ 12h ngày 22/7, để ứng phó với bão số 2 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Sáng 22/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Prapiroon có xu hướng mạnh lên trong những giờ qua. Lúc 9h, tâm bão nằm trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11, tăng một cấp so với 12 giờ trước đó.
Bão đang di chuyển theo hướng tây bắc với vận tốc 10-15km/h.
Ngày và đêm nay, hình thái trên di chuyển vào vịnh Bắc Bộ với cường độ gió giảm xuống cấp 8, giật cấp 10. Lúc 7h sáng 23/7, tâm bão nằm trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng.
Sau thời điểm trên, bão đi chếch theo hướng tây tây bắc, vận tốc giảm nhanh xuống 5km/h và suy yếu thành vùng áp thấp trên đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Hình ảnh vệ tinh cập nhật sáng 22/7 cho thấy bão đã có cấu trúc ổn định hơn so với trước đó, phần đĩa mây không bị phân tán nhiều. Một số thời điểm, mắt bão tương đối rõ. Phần rìa mây phía tây đã bao trùm toàn bộ khu vực phía bắc vịnh Bắc Bộ, gây thời tiết xấu cho khu vực.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng Nhật Bản cũng thay đổi kịch bản về đường đi của bão so với trước đó, cho rằng bão duy trì sức gió mạnh nhất cấp 9 khi di chuyển vào vịnh Bắc Bộ rạng sáng 23/7 rồi dần suy yếu.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão tiếp tục di chuyển vào đất liền miền Bắc nước ta, suy yếu dần thành vùng áp thấp. Hoàn lưu sau bão bao trùm toàn bộ khu vực Bắc Bộ.
Trước mắt, cơ quan khí tượng nhận định từ tối 22/7 đến đêm 23/7, khu vực Đông Bắc Bắc Bộ (các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn) có thể hứng chịu lượng mưa lên tới 100-200mm, có nơi mưa trên 250mm chỉ trong vòng 24 giờ.
Riêng tại Quảng Ninh, khu vực ven biển có thể chịu gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 từ gần sáng 23/7.
Trong khi đó, khu vực Thanh Hóa và các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ trong đó có Hà Nội ghi nhận lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Tại Tây Bắc Bộ, mưa nhỏ hơn với vũ lượng dao động 30-60mm.
Người dân đề phòng mưa dông đi kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Lượng mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn cũng gây nguy cơ cao lũ quét, sạt lở ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, khu đô thị.
Từ ngày 24/7, mưa lớn ở các khu vực trên có xu hướng giảm dần.
Trên biển, vùng biển phía bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sóng tăng dần lên 2-4m, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh sóng biển cao 1,5-2,5m.
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định đề phòng triều cường cao (vào buổi chiều các ngày 22-23/7) kèm theo nước dâng và sóng lớn, gây ngập tại khu vực trũng, thấp làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông tại khu vực.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/quang-ninh-hai-phong-cam-bien-doi-pho-bao-so-2-20240722125428500.htm