Bản hòa tấu từ... cờ lê, mỏ lết

Thứ 2, 12.08.2024 | 08:21:05
351 lượt xem

Tôi đã có dịp vào thăm một xưởng máy sửa chữa ô tô quân sự. Ở đó, bàn tay người lính thợ chai sần, lấm lem dầu mỡ. Trong xưởng, những tiếng gõ la-zăng xe vang lên đanh chói. Tiếng lách cách của cờ lê, mỏ lết, tiếng hàn xì xoèn xoẹt, tiếng gõ búa vang lên chát chúa. Bấy nhiêu âm thanh hỗn độn lẫn với mùi dầu mỡ khen khét khiến không khí trở nên ngộp thở. Vậy mà người lính kỹ thuật vẫn âm thầm, bền bỉ sửa chữa, lắp ráp, để cho những chuyến xe chạy an toàn.

Đến khi tham dự Liên hoan nghệ thuật quần chúng do Tổng cục Kỹ thuật tổ chức mới đây, tôi bất ngờ gặp lại những người thợ kỹ thuật của Cục Xe-Máy. Họ mặc đồng phục chuyên dùng, trên tay cầm những dụng cụ quen thuộc như cờ lê, mỏ lết, tuốc-nơ-vít... Tôi hỏi: “Các đồng chí đi sửa chữa gì ở đây?”. Nghe câu hỏi bất ngờ ấy, Đại úy QNCN Nguyễn Quang Thuận, nhân viên sửa chữa ô tô, Trạm Bảo dưỡng sửa chữa cơ khí mộc, Kho J106, Cục Xe-Máy, đáp lại: “Không phải đi sửa chữa, mà chúng tôi đi biểu diễn văn nghệ”. Lạ quá! Văn nghệ mà dụng cụ, vật tư kỹ thuật đầy đủ như đi sửa chữa cơ động.

Bản hòa tấu từ... cờ lê, mỏ lết
 Tiết mục “Âm vang xưởng máy” thể hiện sự sáng tạo của người lính kỹ thuật trong biểu diễn văn nghệ.

Chưa hết ngỡ ngàng thì tiếng còi vang lên. Đội nghệ thuật quần chúng của Cục Xe-Máy thể hiện bản hòa tấu “Âm vang xưởng máy”. Tiếng thùng vật tư trầm đục, tiếng lách cách của cờ lê, mỏ lết, tiếng gõ thùng phuy, ống xả, vô lăng, can xăng, lốp ô tô khi rầm rập, lúc nhẹ nhàng tạo thành bản hợp âm sinh động.

Là người sử dụng cờ lê gõ để giữ nhịp cho cả đội, Thiếu tá Trương Thị Hải Yến, Chủ nhiệm Chính trị Xưởng X203 (Cục Xe-Máy) chia sẻ: “Tôi được giao giữ nhịp cũng áp lực, vì nếu không chú ý sẽ rất dễ bị chệch nhịp ở phần sau. Đã vậy, các thành viên trong đội chủ yếu là thợ kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu. Vì thế, mọi người phải cố gắng tập luyện sao cho nhịp nhàng, nhuần nhuyễn”.

Hằng ngày, người lính thợ tiếp xúc với các vật tư sử dụng để sửa chữa ô tô, phương tiện kỹ thuật. Những âm thanh phát ra trong quá trình làm việc thường khó nghe. Nhiều năm gắn bó với xưởng máy, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Trợ lý Ban Tham mưu-Kế hoạch, Xưởng X203 mới nghĩ ra ý tưởng phối hợp những âm thanh tưởng như vô nghĩa với nhau để thành một bản hòa tấu trầm bổng. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Khi mới luyện tập, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định do mọi người cảm âm chưa tốt, phối hợp tiết tấu chưa nhịp nhàng. Hơn một tháng miệt mài tập luyện, chúng tôi đã khiến những vật tư vô tri “cất tiếng” dễ nghe”.

Những người lính kỹ thuật đứng trên sân khấu biểu diễn vui nhộn, dí dỏm với các vật dụng thân thuộc thường ngày. Thông qua tiết mục, các thành viên trong đội nghệ thuật quần chúng muốn giới thiệu công việc hằng ngày của người lính thợ, qua đó gửi gắm tinh thần giữ tốt, dùng bền trang bị, vật tư kỹ thuật. Những vật dụng gắn bó với công việc hằng ngày được gìn giữ cẩn thận, sử dụng hiệu quả sẽ góp phần hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mỗi người và đơn vị. Đến xem tiết mục, rất đông khán giả bày tỏ sự thích thú và cổ vũ nhiệt tình. Chính sự sáng tạo trong biểu diễn văn nghệ đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của những người lính kỹ thuật.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/ban-hoa-tau-tu-co-le-mo-let-789108

  • Từ khóa