Xứ Lạng từ lâu vốn nổi tiếng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt với bao trầm tích văn hóa theo suốt chiều dài lịch sử, ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc của tiền nhân để lại. Trong đó có bốn ngôi đền nằm ở bốn hướng trấn giữ và “bảo vệ” ngôi thành cổ Lạng Sơn xưa, gọi là “Xứ Lạng tứ trấn”. Nhận thấy rõ giá trị của các di tích này, thời gian qua, chính quyền thành phố Lạng Sơn đã và đang có nhiều việc làm thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của nó.
Theo các tư liệu lịch sử, thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) xưa có bốn cổng chính (Cổng Thành) ở bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và tương ứng với bốn cổng này có bốn ngôi đền linh thiêng trấn giữ bảo vệ tòa thành bao gồm: đền Cửa Đông (Đông Môn Từ); đền cửa Tây (Tây Môn Từ); đền cửa Nam (Nam Môn Từ) và đền cửa Bắc (Bắc Môn Từ) được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Hiện nay, các đền đều tọa lạc tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn và hướng ra dòng sông Kỳ Cùng.
Du khách tham quan đền Cửa Tây, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn
Điểm chung của các ngôi đền này đều thờ các vị thần của tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ nhà Trần. Trong đó, tiêu biểu có đền Cửa Đông là nơi thờ thần Bạch Đế (thần sông Kỳ Cùng) đã được sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép lại. Năm 2013, các ngôi đền này đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Ông Hoàng Văn Páo, tiến sỹ Sử học, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn cho biết: Cùng với thành cổ Lạng Sơn và bến đá Kỳ Cùng (Kỳ Cùng thạch độ), cụm di tích tứ trấn đã làm phong phú tài nguyên di sản văn hóa Lạng Sơn, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử của mảnh đất, con người Xứ Lạng tới thế hệ trẻ.
Trải qua thăng trầm thời gian với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, các đền vẫn bảo tồn được kiểu kiến trúc nghệ thuật truyền thống và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: văn bia, hoành phi câu đối, hệ thống tượng thờ cổ,… Vì thế, các di tích này không chỉ là nơi lưu giữ các loại hình kiến trúc nghệ thuật mà còn là nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của bà con nhân dân trong vùng và thu hút đông đảo du khách đến với Lạng Sơn. Theo thống kê của Ban quản lý các ngôi đền, bình quân mỗi năm, các đền đón tiếp hàng nghìn lượt khách hành hương, tham quan.
Anh Nguyễn Đức Anh (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), du khách tham quan tại đền Cửa Tây chia sẻ: Lạng Sơn có rất nhiều đền chùa đẹp và nổi tiếng như: chùa Thành, đền Kỳ Cùng,… trong đó có bốn ngôi đền: Cửa Tây, Cửa Bắc, Cửa Nam, Cửa Đông rất linh thiêng. Năm nào tôi và gia đình cũng lên lễ, tham quan.
Thời gian qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cụm di tích “Xứ Lạng tứ trấn”, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố (VHTT) đã triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các di tích thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của “Xứ Lạng tứ trấn”; hoàn tất việc khoanh vùng bảo vệ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với ba ngôi đền: Cửa Đông, Cửa Tây và Cửa Bắc; hướng dẫn thành lập ban quản lý di tích và bộ phận thường trực di tích của cụm di tích tứ trấn; phối hợp với các nhà đền thực hiện thường xuyên công tác tu bổ di tích. Cụ thể: năm 2014 tu bổ công trình phụ trợ di tích đền Cửa Đông; năm 2017, khởi công tôn tạo lại di tích đền Cửa Bắc với kinh phí gần 10 tỷ đồng; năm 2018, tu bổ di tích đền Cửa Tây,… đều từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng VHTT thành phố cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện việc khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đền Cửa Nam. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quảng bá giới thiệu hình ảnh, giá trị của “Xứ Lạng tứ trấn” đến du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong năm 2020, phòng sẽ phối hợp với Hội Di sản văn hóa tỉnh tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị di tích và lễ hội bốn di tích cấp quốc gia đền Cửa Đông, Cửa Tây, Cửa Nam, Cửa Bắc và tứ trấn thành Lạng Sơn – thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn” theo Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 27/1/2020 của UBND tỉnh.
Phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của “Xứ Lạng tứ trấn” là một việc làm thiết thực và quan trọng để gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau những vốn quý của cha ông.
HOÀNG HIẾU/baolangson.vn
http://baolangson.vn/van-hoa/272365-phat-huy-gia-tri-lich-su-van-hoa-cua-xu-lang-tu-tran.html