Thái Nguyên khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Thứ 7, 05.10.2024 | 08:54:12
305 lượt xem

Mưa lũ lịch sử do hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại lớn tại tỉnh Thái Nguyên về nhà ở, hạ tầng, môi trường, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Ngay sau lũ, tỉnh dồn lực khắc phục hậu quả để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, đưa kinh tế-xã hội sớm trở lại bình thường.

Công nhân ngành điện Thái Nguyên sửa chữa sự cố trong lũ để cấp điện trở lại.

Qua đợt mưa lũ này, tỉnh Thái Nguyên rút ra nhiều bài học kinh nghiệm ứng phó, khắc phục hậu quả; đề ra chủ trương mới để từng bước khắc phục tình trạng lụt lội ở thành phố Thái Nguyên.

Thiệt hại lớn

Trận lũ vừa qua trên sông Cầu tại thành phố Thái Nguyên vượt báo động ba lên tới 1,81m (cao hơn 0,73 m so với trận lũ lịch sử vào năm 2001), gây ngập sâu tại 23 xã, phường ở thành phố Thái Nguyên và hàng loạt xã, phường ven sông Cầu ở huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên. Gia đình bà Nguyễn Thị Nhã ở Tổ 17, phường Phan Đình Phùng (trung tâm thành phố Thái Nguyên) cho rằng nước lũ sẽ không dâng tới, nhưng cả nhà đều ngỡ ngàng khi nước lũ từ sông Cầu tràn vào hồ điều hòa Xương Rồng, dâng lên khiến nhà bị ngập gần nửa mét. Bà Nhã chia sẻ: “Nước dâng quá nhanh, đồ đạc, tài sản không kịp vận chuyển, đành để ngập nước, hư hỏng, sáu thành viên trong gia đình phải sơ tán”.

Tỉnh Thái Nguyên huy động hơn 10.000 cán bộ, công an, bộ đội, dân quân, sử dụng gần 1.300 ô-tô, tàu, xuồng để ứng cứu, di dời và hỗ trợ di dời hơn 6.000 hộ dân ở vùng lũ, vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, cho nên không có thiệt hại về người do sạt lở. Tuy nhiên, mưa lũ làm tám người chết, thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra rất lớn. Tỉnh có 538 nhà ở, 93 điểm trường, 26 cầu dân sinh, 26 công trình nước sạch, nhiều công trình thủy lợi, đê điều, viễn thông, điện bị hư hỏng; gần 200 điểm giao thông bị sạt lở; gần 10.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại; hơn 380.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 560 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại với tổng giá trị ước tính là gần 900 tỷ đồng.

Ngay khi lũ rút, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo, công tác khắc phục hậu quả phải được triển khai khẩn trương, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đồng bộ để sớm ổn định đời sống người dân, đưa học sinh trở lại trường, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.

Đưa kinh tế, xã hội sớm trở lại bình thường

Với tinh thần khắc phục hậu quả lũ lụt một cách khẩn trương, đồng bộ, hiệu quả, trừ đường Hồ Chí Minh qua huyện Định Hóa bị sạt lở quá lớn phải phân luồng, còn lại tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều thông sau một ngày xảy ra sạt lở nhờ lực lượng, phương tiện ứng trực tại chỗ. Sau mưa lũ, hầu hết lực lượng ứng phó vẫn được duy trì để hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường cho nên chỉ sau hơn một ngày các đường phố chính ở thành phố Thái Nguyên sạch đẹp trở lại; nhân lực, phương tiện của ngành điện, nước được triển khai ngay để khắc phục sự cố, cấp lại điện, nước phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Quân khu I hỗ trợ vật tư, ba xe đặc chủng cùng đội ngũ cán bộ y tế phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ các khu vực lũ lụt; tỉnh và các địa phương huy động tối đa lực lượng tại chỗ để vệ sinh môi trường, cấp vật tư để người dân làm sạch nước sinh hoạt, vận động ăn chín, uống sôi nên không có dịch bệnh xảy ra. Sau lũ từ ba đến bốn ngày, toàn bộ học sinh trở lại trường; các hoạt động dịch vụ, vận tải trở lại bình thường.

Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh không bị lũ lụt, nhưng cũng bị ảnh hưởng do hàng nghìn công nhân không thể đi làm. Tỉnh đã phân bổ đợt một gần 40 tỷ đồng để các địa phương và ngành giao thông tập trung khắc phục sạt lở, sửa chữa các tuyến đường nhà ở bị hư hỏng, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Bí thư Huyện ủy Phú Bình Nguyễn Thị Loan cho biết: “Được phân bổ đợt một 5,6 tỷ đồng, huyện đang khẩn trương rà soát lại một lần nữa để giúp các gia đình sửa chữa nhà ở; khôi phục sản xuất hơn 2.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Nông dân đang tích cực thu dọn đồng ruộng đối với diện tích lúa bị hư hỏng hoàn toàn để sản xuất vụ đông, hoa màu ngắn ngày ở những nơi có điều kiện”. Bị ngập hơn 400 ha lúa và hoa màu, sau khi lũ rút, thành phố Sông Công chỉ đạo đội ngũ cán bộ nông nghiệp hướng dẫn nông dân khôi phục lại diện tích lúa còn có thể phát triển; diện tích lúa, hoa màu không thể hồi phục được thì khẩn trương vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ đông, nhất là rau màu ngắn ngày nhằm bù đắp sản lượng bị thiệt hại.

Thiệt hại đối với chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là rất lớn, hiện nay người dân đang tích cực sửa chữa chuồng trại để tái đàn. Là một trong 39 trang trại chăn nuôi trên xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên bị thiệt hại, gia đình ông Ngô Đức Việt ở xóm Vải có gần 10.000 con gà đang chuẩn bị được xuất bán thì bị lũ cuốn trôi, chết, chuồng trại tan hoang, bùn đất ngập ngụa. Anh Việt tâm sự: “Khi lũ rút, vợ chồng động viên nhau nỗ lực khắc phục, khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa chuồng trại, vay vốn tái đàn trong một đến hai tháng tới nhằm kịp thời có gà xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 để bù đắp thiệt hại phần nào”.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, để hoàn thành các chỉ tiêu về chăn nuôi và thủy sản theo kế hoạch, chi cục đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, xử lý môi trường sau ngập lụt; đôn đốc các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ; hướng dẫn người dân lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng để khôi phục chăn nuôi. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên Phạm Văn Sỹ cho biết, năm 2024 toàn ngành vẫn có khả năng tăng trưởng 3,5% so với năm 2023.

Nhờ nỗ lực khắc phục kịp thời hậu quả mưa lũ, kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Nguyên sớm trở lại trạng thái bình thường. Chín tháng năm 2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp dự kiến tăng 7,51% so với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 21,88 tỷ USD, tăng 8,3%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, bài học kinh nghiệm ứng phó và khắc phục thiệt hại được rút ra sau mưa lũ lịch sử, là việc dự báo phải chính xác, thường xuyên, thậm chí theo giờ để đưa ra các quyết định kịp thời. Cần có bản đồ về lũ bão, theo từng cấp độ, từng vùng để có phương án ứng phó phù hợp. Thiên tai, lũ lụt có tính liên tỉnh, liên vùng cho nên cần phối hợp liên tỉnh, liên vùng, thí dụ như lũ lụt ở thượng nguồn sông Cầu cao 1m tại Bắc Kạn, sau bao lâu sẽ ảnh hưởng và sẽ dâng lên bao nhiêu ở thành phố Thái Nguyên, ở thành phố Phổ Yên và các địa phương khác thuộc tỉnh Bắc Giang.

Diễn tập phòng chống, ứng phó lũ lụt phải được thực hiện thường xuyên để tránh bị động, lúng túng, bất ngờ; công tác ứng phó, khắc phục thiên tai, nhất là thiên tai có tính chất tàn khốc cần có sở chỉ huy, sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thông suốt từ cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cấp ủy, người đứng đầu.

Cũng từ trận mưa lũ vừa qua, để ứng phó với thiên tai, lũ lụt ngày càng diễn biến khó lường, tỉnh Thái Nguyên chủ trương sẽ lập bản đồ số về lũ lụt để ứng phó tốt hơn; nạo vét lòng sông Cầu, mở rộng đập thác Huống để lũ thoát nhanh; gia cố, làm mới các tuyến đê để bảo vệ thành phố Thái Nguyên và các địa phương dọc sông Cầu; xác định cốt nền khi xây dựng các khu dân cư, đô thị, công trình công cộng, khu và cụm công nghiệp để không bị ngập trong tương lai..


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/thai-nguyen-khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-post834939.html

  • Từ khóa