Trong bối cảnh kết quả kinh doanh của các công ty xổ số thiết (XSKT) phía Nam liên tục tăng trưởng thì cần phải quan tâm hơn đến đội ngũ những người bán vé số dạo, có cơ chế chính sách phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho họ-những người nằm trong chuỗi kinh doanh, mang lại doanh thu, lợi nhuận cho công ty xổ số, nhưng dường như đang bị “bỏ quên”…
“Mỏ vàng” xổ số kiến thiết phía Nam
Có thể nói, hoạt động kinh doanh XSKT ở khu vực phía Nam như một “mỏ vàng”, mang lại doanh thu, lợi nhuận lớn do đông đảo người dân nơi đây coi việc mua xổ số như một thói quen hằng ngày.
Hiện nay, cả nước có 63 công ty XSKT thì khu vực phía Nam có 21 công ty. Đáng nói, trong khi các công ty ở phía Bắc, miền Trung hoạt động “bình bình”, thậm chí có công ty thua lỗ thì các công ty XSKT phía Nam liên tục tăng trưởng, chiếm đến hơn 93% thị phần.
Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn |
Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, 6 tháng đầu năm 2024, doanh số phát hành xổ số truyền thống của các công ty XSKT miền Nam đạt 70.400 tỷ đồng, tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu đạt 69.557 tỷ đồng, tăng 1,04%. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.095 tỷ đồng, tăng 3,54% và đạt 55,13% kế hoạch năm 2024. Hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt nên chế độ lương, thưởng của người lao động ở các công ty XSKT miền Nam thuộc diện cao so với nhiều ngành nghề khác, đạt trung bình khoảng 27-43 triệu đồng/người/tháng, tùy từng công ty.
Trước sự tăng trưởng tích cực, mới đây, Hội đồng XSKT khu vực miền Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị tăng doanh số phát hành xổ số truyền thống đối với mỗi công ty xổ số từ 120 tỷ đồng/kỳ mở thưởng lên 140 tỷ đồng/kỳ. Bộ Tài chính đã đồng ý tăng hạn mức doanh số phát hành xổ số truyền thống thêm 10 tỷ đồng/kỳ mở thưởng, lên mức tối đa 130 tỷ đồng/kỳ. Thời gian thực hiện từ ngày 1-10-2024.
Như vậy, từ ngày 1-10-2024, 21 công ty XSKT phía Nam đều được tăng hạn mức doanh số phát hành thêm 10 tỷ đồng/kỳ mở thưởng (tức tăng thêm 1 triệu tờ vé số mệnh giá 10.000 đồng/tờ), lên mức tối đa là 13 triệu tờ vé số/kỳ mở thưởng, trị giá 130 tỷ đồng.
Theo quy định, mỗi công ty XSKT phía Nam được mở thưởng 1 kỳ/tuần, riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên XSKT TP Hồ Chí Minh được mở thưởng 2 kỳ/tuần. Vì thế, trong một tuần sẽ có 22 kỳ mở thưởng với tổng số vé phát hành tối đa là 286 triệu vé, trị giá 2.860 tỷ đồng.
Không “bỏ quên” người bán vé số dạo
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty XSKT phía Nam liên tục tăng trưởng tốt, thu nhập của người lao động thuộc các công ty ở mức cao, tuy nhiên, nhiều người bán vé số dạo lại đang rất khó khăn, thu nhập không tương xứng với sự tăng trưởng này.
Ảnh minh họa: Báo Cần Thơ |
Ở mỗi địa phương phía Nam, nơi ít cũng có vài nghìn, nơi nhiều có tới hàng chục nghìn người bán vé số dạo. Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, hiện nay có khoảng 200.000 người bán vé số dạo. Một bộ phận không nhỏ người bán vé số dạo là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chỉ sống dựa vào thu nhập từ “hoa hồng” 10-12% trên số lượng vé số bán được.
Thực tế cho thấy, thông thường, mỗi người bán vé số dạo dù cố gắng lắm cũng chỉ có thu nhập cao nhất khoảng 200.000-250.000 đồng/ngày từ “hoa hồng” bán vé. Nhìn chung, thu nhập của người bán vé số dạo còn thấp, trong khi họ hầu như chưa được hưởng bất kỳ một chế độ chính sách hỗ trợ nào mang tính căn cơ, lâu dài, khiến thu nhập, cuộc sống bấp bênh, nghỉ làm ngày nào là mất thu nhập ngày đó. Chưa kể, những hôm không trả được vé số ế thì không những không có thu nhập mà còn có thể “âm vốn”.
Một phần lớn vé số tiêu thụ được là do người bán vé số dạo. Họ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra doanh thu, lợi nhuận “khủng” của các công ty XSKT. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trái ngược với sự tăng trưởng mạnh của các công ty XSKT, thu nhập của người bán vé số dạo còn rất thấp, đồng thời chưa có các chế độ chính sách hỗ trợ căn cơ, lâu dài nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho họ là chưa công bằng.
Thời gian qua, ngoài nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, các công ty XSKT cũng dành khoản kinh phí không nhỏ cho hoạt động phúc lợi xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ người bán vé số dạo… Nhưng như thế là chưa đủ, cần có các giải pháp hỗ trợ an sinh mang tính căn cơ, như tăng tỷ lệ “hoa hồng”, ký hợp đồng lao động, hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội…
Liên đoàn Lao động TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức Lễ ra mắt Nghiệp đoàn bán vé số Minh Long, tháng 7-2024. Ảnh: Liên đoàn Lao động TP Sóc Trăng |
Hiện nay, nhiều địa phương khu vực phía Nam đã thành lập các nghiệp đoàn bán vé số nhằm thu hút, hỗ trợ, chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người bán vé số dạo, từng bước kết nạp họ thành đoàn viên công đoàn. Đây là mô hình tốt, rất cần được nhân rộng. Mong rằng, với sự quan tâm của các bộ, ngành chức năng, các cấp chính quyền, các công ty XSKT, người bán vé số dạo sẽ ngày càng được quan tâm, chăm lo tốt hơn.
Theo qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-quan-tam-den-quyen-loi-cua-nguoi-ban-ve-so-dao-798345