Kiến thức phòng cháy chữa cháy: Bài học quan trọng trong các trường phổ thông

Thứ 3, 15.10.2024 | 09:12:39
560 lượt xem

Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện dạy và học, việc trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho học sinh, nhất là học sinh trường phổ thông đang được ngành giáo dục tỉnh và các nhà trường coi là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn học đường.

Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện dạy và học, việc trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho học sinh, nhất là học sinh trường phổ thông đang được ngành giáo dục tỉnh và các nhà trường coi là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn học đường.

Học sinh Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn tham gia thực hành sử dụng bình chữa cháyHọc sinh Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn tham gia thực hành sử dụng bình chữa cháy

Trong bối cảnh hiện nay khi số vụ cháy nổ có xu hướng gia tăng, vấn đề đặc biệt đáng lo ngại là sự thiếu kỹ năng PCCC ở lứa tuổi thanh thiếu nhi. Do đó, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, ban hành hệ thống các văn bản triển khai thực hiện trong toàn ngành; chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép công tác PCCC vào các hoạt động giáo dục cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ năm học.

Đổi mới hình thức tuyên truyền

Công tác tuyên truyền về PCCC cho học sinh đã được ngành giáo dục và các nhà trường đổi mới với nhiều phương pháp. Đặc biệt tại các trường phổ thông (từ tiểu học đến THPT), các nhà trường đã ứng dụng công nghệ số để tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến, sử dụng video và hình ảnh minh họa sinh động nhằm giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, các buổi diễn tập thực tế được tổ chức định kỳ, giúp học sinh trực tiếp tham gia vào các tình huống giả định về hỏa hoạn, qua đó trang bị kỹ năng thoát nạn và sử dụng bình chữa cháy một cách hiệu quả.

Các trường học cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát PCCC để tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, chia sẻ kiến thức và hướng dẫn xử lý tình huống thực tế. Kiến thức về PCCC còn được lồng ghép vào chương trình giáo dục và các hoạt động ngoại khóa, tạo sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành, giúp học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phòng ngừa hỏa hoạn... Những hoạt động này đã góp phần tạo ra một môi trường học tập an toàn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.

Em Long Hà My, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Sau khi tham gia các hoạt động tuyên truyền PCCC do nhà trường tổ chức, em đã học được rất nhiều điều bổ ích, thiết thực và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc phòng ngừa cháy nổ. Em rất mong có thêm nhiều hoạt động tương tự để em và các bạn có thể sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp về cháy nổ.

Toàn tỉnh hiện có hơn 400 trường phổ thông với trên 150.000 học sinh từ cấp tiểu học đến THPT. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tuyên truyền được 1.245 lượt về nội dung PCCC; tổ chức cho 100% học sinh các trường phổ thông ký cam kết về PCCC, không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Bên cạnh đó, một số trường học thường xuyên phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC tổ chức tập huấn và diễn tập tình huống giả định để học sinh thực hành các kỹ năng thoát hiểm, sử dụng bình chữa cháy và gọi cứu hộ khi cần thiết.

Đơn cử như tại Trường THPT Việt Bắc, ngày 14/9 vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành tại trường. Cô Trần Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tại buổi ngoại khóa này, giáo viên, học sinh trong trường được hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống cháy nổ. Cùng đó được tham gia trải nghiệm, thực hành các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn bằng dây hạ chậm; thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay dập tắt đám cháy, thực hành dùng vòi chữa cháy và được giới thiệu các trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Ngoài ra, để công tác tuyên truyền về PCCC cho học sinh được hiệu quả, các trường học còn bổ sung tài liệu tuyên truyền như sách, tờ rơi, và áp phích với hình ảnh minh họa và nội dung dễ hiểu để phát đến học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube đã được tận dụng để chia sẻ thông tin, video hướng dẫn và câu chuyện liên quan đến công tác PCCC, giúp học sinh và phụ huynh dễ dàng tiếp cận kiến thức... Những đổi mới trong công tác tuyên truyền thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về PCCC cho cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh trên địa bàn tỉnh.

Các giáo viên tham gia thực hành thoát nạn bằng dây tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn khi có sự cố cháy xảy raCác giáo viên tham gia thực hành thoát nạn bằng dây tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn khi có sự cố cháy xảy ra

Tăng kiểm tra, đôn đốc thực hiện PCCC

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Sở luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCCC, công tác phổ biến và tuyên truyền kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC đến các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, sở đã tăng cường quán triệt các quy định của pháp luật về PCCC đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động và học sinh. Qua đó, 100% trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã phát động, tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả hưởng ứng ngày toàn dân PCCC (4/10) hằng năm như: tổ chức kiểm tra, khắc phục kịp thời những tồn tại về công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị; treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng tại trụ sở cơ quan, đơn vị...

Cùng với đó, hằng năm, Sở GD&ĐT còn phối hợp hiệu quả với các cơ quan quản lý về PCCC trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra về công tác an ninh trật tự, PCCC tại các cơ sở giáo dục; yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra thường xuyên tình hình PCCC của đơn vị về các trang thiết bị PCCC như cột chống sét, bình chữa cháy, tiêu lệnh PCCC, nguồn nước, máy bơm nước, hệ thống chuông báo cháy, đèn chiếu sáng sự cố, biển báo chỉ dẫn thoát nạn.... Từ đầu năm 2024 đến nay, các nhà trường đã tự kiểm tra về PCCC được 1.228 lượt.

Trường liên cấp THCS - THPT Bình Độ, huyện Tràng Định hiện tại có hơn 600 cán bộ, giáo viên nhân viên và học sinh. Thầy Triệu Tuấn Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đảm bảo công tác PCCC, nhà trường đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC của trường với 10 thành viên. Trường cũng trang bị phương tiện chữa cháy như: 51 bình xịt chữa cháy, vòi nước cứu hỏa, hệ thống báo cháy... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”; hằng năm tổ chức thực tập phương án chữa cháy, chủ động xử lý các tình huống cháy, diễn tập các phương án CNCH khi xảy ra cháy tại các cơ quan, đơn vị.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, 100% cơ quan, đơn vị, trường học thường xuyên tự kiểm tra tình hình PCCC cơ quan, đơn vị; toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đều có ý thức PCCC; 100% cơ sở giáo dục ban hành, niêm yết nội quy, quy định PCCC. Các cơ sở giáo dục đều thường xuyên tuyên truyền đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện sắp xếp đồ đạc, tài liệu, thiết bị gọn gàng ngăn nắp, khoa học; sử dụng an toàn nguồn nhiệt, nguồn điện, xây dựng thói quen kiểm tra tắt điện trước khi ra khỏi phòng làm việc. Nhờ chủ động phòng chống cháy nổ tốt nên đến nay không xảy ra hiện tượng cháy nổ tại các cơ sở giáo dục.

Với sự nỗ lực của ngành giáo dục cùng sự chung tay của xã hội, công tác PCCC trong các trường học đang từng bước được cải thiện, góp phần bảo vệ an toàn cho học sinh, giáo viên và nhân viên trường học, đồng thời xây dựng một môi trường học tập an toàn và lành mạnh.

Tại Thông tư số 06 ngày 11/5/2022 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục quy định nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC&CNCH gồm: tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; biện pháp, quy trình PCCC&CNCH tại gia đình, trường học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra.

Thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về PCCC đối với học sinh phổ thông bảo đảm tối thiểu 2 buổi/năm học và lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa; thông qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và trong các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/nganh-giao-duc-quan-tam-trang-bi-kien-thuc-phong-chay-chua-chay-cho-hoc-sinh-giao-vien-5024159.html

  • Từ khóa