Là nơi sinh sống của 19 dân tộc, trong đó có 18 dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc từ trang phục, kiến trúc tới phong tục tập quán, tín ngưỡng… Điện Biên luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách trong nước, quốc tế. Cùng với nỗ lực xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía bắc, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành trong tỉnh Điện Biên luôn dành sự quan tâm nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các tộc để tạo thêm sản phẩm du lịch hấp
Phụ nữ dân tộc Hà Nhì huyện Mường Nhé thi thiết kế trang phục truyền thống dân tộc.
Là người con của đồng bào dân tộc Thái đen và là người am hiểu văn hóa, phong tục truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái đen ở Điện Biên, ông Tòng Văn Hân vinh dự được bà con dân bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên tin tưởng giao trọng trách chủ trì nghi thức cúng trong Lễ mừng cơm mới của bản U Va vừa qua.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Tòng Văn Hân, vui vẻ, cho biết: Lễ mừng cơm mới được đồng bào Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây là dịp để anh em trong gia đình, thông gia, dân bản, dòng họ hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản, hướng về một cuộc sống đủ đầy.
“Vật phẩm dâng lễ cúng được bà con dân bản chuẩn bị song đều là sản vật nông nghiệp do bà con tự làm ra, được nuôi trồng trên ruộng nương của bản. Khi dâng lễ vật cúng, bà con trong bản gửi theo lòng biết ơn tổ tiên; cảm ơn ông bà, gia tiên đã luôn theo dõi, phù hộ cho con cháu trong gia đình, dân bản được khỏe mạnh; việc làm ăn, chăn nuôi phát triển. Đồng thời cầu mong cho những vụ mùa tiếp theo gặp mưa thuận gió hòa, cây trái tươi tốt. Sau khi dâng lễ cúng thì bà con mới tay trong tay chung vui và chơi các trò chơi truyền thống để niềm vui nhân lên, tình nghĩa bản làng thêm gắn kết”- ông Tòng Văn Hân, lý giải cặn kẽ với chúng tôi như thế.
Ông Tòng Văn Hân, chủ trì nghi thức cúng tổ tiên trong Lễ mừng cơm mới của dân tộc Thái bản U Va. |
Chung vui Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái bản U Va, ông Đào Duy Trình, Trưởng phòng Quản lý Di sản Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, vui vẻ nói rằng: Đây là một trong hàng trăm lễ hội, tập quán tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số đã được ngành văn hóa và các huyện nỗ lực thực hiện thời gian qua.
Ông Đào Duy Trình, nói rằng, dù có rất nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành văn hóa cùng các huyện, thị xã, thành phố và cộng đồng các dân tộc đã nỗ lực sưu tầm phục dựng lễ hội, điệu múa, phong tục tín ngưỡng.
Cụ thể: Huyện Điện Biên Đông đã thực hiện bảo tồn, phục dựng lễ Mừng cơm mới của dân tộc Lào, dân tộc Xinh Mun. Huyện Điện Biên tiến hành bảo tồn, phục dựng tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ cầu mùa của dân tộc Thái trắng; bảo tồn nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Cống; phục dựng bảo tồn lễ hội Xên bản tại bản U Va; lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái tại bản Liếng, xã Noong Luống.
Cùng với đó, huyện Điện Biên còn thường xuyên duy trì tổ chức một số lễ hội tiêu biểu của các dân tộc kết hợp khai thác và phát triển du lịch như: Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ Xên bản của dân tộc Thái, Lễ hội Tra hạt, Cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, Lễ hội Cầu mưa, Tết Té nước của dân tộc Lào. Huyện Mường Ảng tiến hành bảo tồn, phục dựng tết Nào Pê Chầu của dân tộc H'Mông; lễ hội cầu mưa của dân tộc Khơ Mú; lễ hội Tra hạt của dân tộc Khơ Mú.
Huyện Mường Nhé đã thực hiện bảo tồn, phục dựng lễ Cúng tổ tiên của dân tộc Thái trắng; lễ Tết mùa mưa (Dế khù chà) của dân tộc Hà Nhì; lễ cúng bản, tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì; lễ cúng bản; lễ cầu mùa, lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La; lễ Cúng lá lúa (Tụ căn nà mạ) của dân tộc Kháng; lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Cống xã Nậm Kè. Huyện Nậm Pồ dù có nhiều khó khăn nhưng thời gian qua cũng đã tiến hành bảo tồn, phục dựng lễ hội Gầu Tào của dân tộc H’Mông, lễ Mừng cơm mới của dân tộc Cống; Lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao. Thành phố Điện Biên Phủ tổ chức phục dựng, bảo tồn hội Hạn Khuống tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh; lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái...
Bà con dân tộc Thái bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên chung vui trong Lễ mừng cơm mới của bản. |
Ông Nguyễn Văn Úy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, cho biết: Xa xôi, cách trở, nhưng “kho tàng” văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Mường Nhé luôn có sức hút riêng với du khách mọi miền. Bởi vậy, thời gian qua, từ nguồn lực đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Mường Nhé đã hỗ trợ cộng đồng nhân dân các dân tộc Hà Nhì, Si La, Cống phục dựng, duy trì các tín ngưỡng văn hóa riêng từng dân tộc, như là: Tết cổ truyền (Hồ Sự Chà), Múa (Cá nhi nhi), Lễ Cúng bản (Gạ Ma Thú) của dân tộc Hà Nhì; Lễ cúng cơm mới, lễ cưới, nghề truyền thống đan lát, ngữ văn dân gian của người Si La; lễ cúng tổ tiên của người dân tộc Thái, lễ cúng tổ tiên của người Cống...
Ðặc biệt, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa được hiệu quả, huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các danh lam thắng cảnh tiêu biểu của huyện như: Khu rừng bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn xã Chung Chải; Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ; cột mốc biên giới số 0 tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam-Trung Quốc-Lào, chợ phiên tại lối mở A Pa Chải... Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc đến với du khách thập phương.
Đánh giá cao nỗ lực của các ngành, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong công tác bảo tồn, phục dựng văn hóa các dân tộc thiểu số, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên đã phân bổ hơn 44 tỷ đồng cho các ngành, các huyện thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Từ nguồn vốn này, các huyện, các ngành trong tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức 6 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 4 nghệ nhân người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, các huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể; thực hiện 2 chương trình nghiên cứu phục hồi, bảo tồn phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; hỗ trợ hoạt động 167 đội văn nghệ truyền thống…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dien-bien-no-luc-bao-ton-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-post844481.html