Chiều 5/3, tại Hà Nội, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) ký kết phối hợp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ mỗi ngày, thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp so với thế hệ cha anh.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) ký kết phối hợp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng chiều 5/3. |
Bối cảnh trên đòi hỏi chúng ta phải chung tay xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho người dân nói chung và trẻ em nói riêng; bảo vệ, hỗ trợ trẻ em cũng như trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng sống an toàn trên môi trường mạng.
Tại Chỉ thị 14 ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, Bộ TT&TT được giao trách nhiệm chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về bảo vệ thông tin cá nhân, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
“Chúng tôi hy vọng việc ký kế hoạch phối hợp về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Cục Trẻ em của Bộ LĐTB&XH và Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT sẽ tạo cơ sở vững chắc cho công tác giữa hai cơ quan đạt kết quả thiết thực trong năm 2020 và những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Thành Phúc chia sẻ.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH)
Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Chính phủ đã nêu rõ một trong những mục tiêu quan trọng là tạo không gian mạng an toàn cho người dân, trong đó, trẻ em chính là những công dân của tương lai. Vì lẽ đó, bảo vệ trẻ em chính là bảo vệ công dân tương lai của đất nước.
“Không gian mạng đem tới thế giới phẳng, tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ em được tiếp cận thông tin, học hỏi, tuy nhiên tạo không gian mạng an toàn cho trẻ em ngay từ sớm chính là tạo liều “vaccine” cho tương lai của đất nước. Việc tạo liều “vaccine” này đòi hỏi sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức như Cục Trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo đến những hỗ trợ kỹ thuật từ Cục An toàn thông tin... để hình thành, phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới bảo vệ trẻ em”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Kế hoạch phối hợp giữa Cục An toàn thông tin và Cục Trẻ em tập trung vào 7 nội dung chính. Trong đó trước mắt, tập trung khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Hai cơ quan sẽ xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng hoạt động vì trẻ em; tạo thành quy trình hài hòa để phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Thông qua mạng lưới này, trẻ em sẽ dễ dàng lên tiếng, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, được bảo vệ an toàn khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, tương tự quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại trong đời thực.
Đồng thời, các công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, các công cụ giáo dục trẻ em tương tác tích cực, sáng tạo trên môi trường mạng cũng sẽ được xây dựng với nhiều hình thức truyền tải như: các video, clip, app... bởi các doanh nghiệp Việt.
Nâng cao hiểu biết về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn để trẻ em tự bảo vệ mình, kịp thời tố giác hành vi xâm hại trên môi trường mạng cũng là một nội dung chính của kế hoạch.
Hiện đã có Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và app Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, các tài liệu trực tuyến giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng cho trẻ em, xây dựng các tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cũng sẽ được phát triển và đăng tải trên nền tảng trực tuyến. Tới đây, các báo cáo nghiên cứu, triển khai đánh giá tác động của môi trường mạng sẽ được xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu phân loại theo độ tuổi./.
Vân Anh/VOV.VN
https://vov.vn/cong-nghe/tao-vaccine-cho-tre-em-viet-nam-tren-khong-gian-mang-1018245.vov