Từ nghi án lừa hơn 900 tỷ: Cần hành lang pháp lý đầy đủ về “tiền ảo”

Thứ 4, 08.08.2018 | 08:00:00
1,049 lượt xem

Để đảm bảo kinh tế phát triển lành mạnh, cần sớm ban hành hệ thống văn bản tạo ra hành lang pháp lý quản lý tiền ảo.

Để đảm bảo kinh tế phát triển lành mạnh, cần sớm ban hành hệ thống văn bản tạo ra hành lang pháp lý quản lý tiền ảo.

 

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ lừa đảo nhà đầu tư đã bị phát tố như vụ lừa đảo 6.000 nhà đầu tư đầu tư thông qua sàn tiền ảo VNCOINS dạng đa cấp, hay vụ việc hàng ngàn người đầu tư bị chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng bởi công ty Cổ phần Modern Tech. Gần đây nhất là vụ Công ty Sky Mining – chuyên đầu tư máy đào tiền ảo cực lớn tại Việt Nam, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt hơn 900 tỷ đồng của hàng trăm nhà đầu tư.

tu nghi an lua hon 900 ty can hanh lang phap ly day du ve tien ao hinh 1
Nguyễn Hữu Tiến (34 tuổi, quê quán Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VNCOINS) bị bắt vì lừa đảo đa cấp. (Ảnh: KT)

Mặc dù nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam chưa công nhận tiền ảo (tiền điện tử); mọi hành vi phát hành, kinh doanh, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán đều là hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế người Việt không còn lạ với tiền ảo, hàng loạt đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ilcoin, Onecoin, Octacoin, Swisscoin, Gem coin... được du nhập vào Việt Nam từ lâu.

 

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của không ít người, cộng thêm hành lang pháp lý quản lý tiền ảo chưa có, nên không ít cá nhân, công ty đã thực hiện lừa đảo thu hút đầu tư vào loại tiền này dưới các chiêu bài dịch vụ khai thác giả hay tiếp thị dạng đa cấp ngày càng tinh vi. Cũng giống như các mô hình kinh doanh khác áp dụng hình thức tiếp thị đa cấp, giới chủ luôn hứa hẹn sẽ chi các khoản hoa hồng "khủng" khi giới thiệu sản phẩm thành công. Họ tìm đủ mọi cách để kiếm được càng nhiều người mua, tham gia càng tốt. 

Điều này đồng nghĩa lợi nhuận (theo thỏa thuận) của nhà đầu tư sẽ tăng chóng mặt. Chính vì điều này mà nhiều người sẵn sàng dốc hầu bao từ vài chục triệu đến trăm triệu, thậm chí tiền tỷ.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, động cơ chính tham gia đầu tư tiền ảo theo mô hình đa cấp kim tự tháp chứa đựng rủi ro rất lớn nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tham gia bởi lòng tham khi được hứa hẹn sẽ nhận được mức lãi suất cao và lời hứa hẹn nhanh chóng trở thành tỷ phú mà không cần phải làm gì.

“Cách thu hút đầu tư theo kiểu bán hàng đa cấp như thế có khả năng thu hút nhiều người, nhưng khi sàn giao dịch bị sập thì số tiền đầu tư của nhà đầu tư coi như mất trắng” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Nhìn lại các vụ việc lừa đảo trong đầu tư tiền ảo như tiền ảo VNCOINS, vụ Công ty Cổ phần Cổ phần Modern Tech, đến vụ Sky Mninh, chuyên gia kinh tế-Luật - Huỳnh Trung Minh cho rằng, các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo dù ngày càng tinh vi hơn và hoạt đông dưới chiêu bài kinh doanh đa cấp để lấy tiền của người sau trả cho người trước, với mức lãi hứa hẹn cao ngất ngưởng, nhưng nếu nhà đầu tư tỉnh táo thì sẽ tránh sập bẫy lừa đảo. Bởi thực tế không thể có ngành nghề kinh doanh gì mà có thể lãi 300% như Sky Mininh đưa ra…

“Lợi nhuận 300%/năm là rất phi thực tế, lãi suất tiền gửi chỉ giao động từ 5-8%, trong kinh doanh bình tốt cũng chỉ lãi từ 10-13%/năm…Hợp đồng SKY Mininh ký với nhà đầu tư chỉ thực hiện trong một vài tháng đầu để lấy tiền người sau trả cho người trước” – ông Huỳnh Trung Minh phân tích.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty Luật SBLAW cho rằng, những trường hợp lừa đảo đầu tư sẽ vẫn còn tiếp diễn vì trong xã hội còn có nhiều người vì ham lợi mà sập bẫy, trong khi đó chưa có văn bản pháp luật nào quy định về tiền ảo.

Vì vậy, để quản lý, giám sát được tiền ảo, các cơ quan đảm bảo cho kinh tế phát triển lành mạnh, Nhà nước sớm ban hành hệ thống văn bản tạo ra hành lang pháp lý quản lý tiền ảo. Trước mắt khi chưa ban hành được hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh nó thì các cơ quan có trách nhiệm như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương cần có động thái chấn chỉnh. Ít nhất các cơ quan này phải ra cảnh báo rất rõ ràng và kiên quyết để người dân biết về mức độ rủi ro rất cao.

Trong khi chờ có hệ thống văn bản pháp lý về tiền ảo, các cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phạm pháp liên quan tới hoạt động tiền ảo, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản, gây nhiều rủi ro cho xã hội. Còn các nhà đầu tư và người dân cũng cần hết sức tỉnh táo khi dùng tiền thật đầu tư vào tiền ảo, bởi nó chứa đựng quá nhiều rủi ro, thậm chí có khi phải đối diện trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam./.

  • Từ khóa