Vào một số ngày thứ bảy nhất định, sân bay quốc tế Anchorage ở Alaska bỗng trở thành "ngôi sao sáng" của ngành hàng không trong Covid-19.
Sân bay quốc tế Ted Stevens Anchorage không có thác nước hoành tráng như Changi của Singapore, hay tám đường băng như Chicago O'Hare của Mỹ. Nhưng sân bay nằm ở nơi hẻo lánh này gần đây bất ngờ nổi lên như một ngôi sao mới của ngành hàng không, khi trở thành nơi bận rộn nhất vào một số ngày thứ bảy trong Covid-19.
Sân bay được đặt tên theo tên của cố thượng nghị sĩ Mỹ Ted Stevens. Ảnh: Airways Magazine.
"Thứ bảy là một ngày bận rộn cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa nhưng cũng là ngày ít các dịch vụ chở khách nhất", quản lý sân bay Jim Szczesniak giải thích qua một cuộc gọi video. Ví dụ, vào thứ bảy ngày 2/5, sân bay có 744 chuyến bay hoạt động, trong đó ở các sân bay lớn khác như Chicago hay Atlanta, con số lần lượt là 579 và 529. Vào ngày thứ bảy khác của tháng 4, Anchorage nhanh chóng giành được thương hiệu "sân bay bận rộn nhất thế giới".
Báo cáo thường niên của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) về các sân bay bận rộn nhất thế giới công bố vào cuối tháng 5 khiến cho nhiều người phải giật mình. Đại dịch khiến lưu lượng hành khách giảm xuống hơn 90% và nhu cầu đi lại gần như "biến mất", theo Angela Gittens, Tổng giám đốc ACI.
Trong đại dịch, một lĩnh vực vận chuyển bằng đường hàng không đang gia tăng, đó là dịch vụ chở hàng. Chủ yếu các loại hàng hóa dùng để phòng, chống lại Covid-19 của Bắc Mỹ đều sản xuất tại châu Á. Trong khi đó, Ted Stevens Anchorage lại có vị trí địa lý hoàn hảo cho công cuộc vận chuyển trên, khi từ sân bay này, các máy bay có thể bay đến 90% khu vực công nghiệp hóa trên thế giới chỉ trong vòng 9,5 giờ bay.
"Lợi thế của Ted Stevens Anchorage là các máy bay có thể chở đầy hàng hóa, nhưng chỉ cần nửa nhiên liệu. Họ bay đến đây, sau đó nạp thêm nhiên liệu rồi bay tiếp về đích", Jim Szczesniak nói. Ông cho rằng đó là lý do Ted Stevens Anchorage đang dần trở nên bận rộn trong đại dịch.
Nằm ở dãy Chugagh và phục vụ một thành phố chỉ có 300.00 dân, Ted Stevens Anchorage đang đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, y tế trong khủng hoảng toàn cầu. Nó gợi cho hành khách nhớ đến câu chuyện về sân bay Gander ở Newfoundland, Canada, nơi đã đón 7.000 hành khách không có chỗ nào để đi trong vụ khủng bố 9/11. Hiện tại, để phục vụ các chuyến bay, sân bay đang phải sử dụng các khu vực khác nhau còn trống để máy bay có chỗ đỗ. Đây là điều hiếm khi xảy ra trước đại dịch.
Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, phi hành đoàn dừng đỗ ở sân bay Ted Stevens Anchorage này đều giảm thiểu tối đa việc tương tác với người dân Alaska. Họ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân để đến và rời khách sạn, tránh tiếp xúc với các nhân viên mặt đất.
Quản lý sân bay Szczesniak kỳ vọng sau đại dịch, Alaska sẽ thành một điểm du lịch nổi tiếng. "Bạn biết đấy, chính phủ các nước yêu cầu người dân tuân thủ giãn cách xã hội, giữ khoảng cách ít nhất 2 m với người khác. Ở Alaska, bạn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ tuyệt vời mà chẳng gặp ai trong bán kính 10 km".
Ngắm gấu là trải nghiệm được nhiều du khách yêu thích vào mùa hè ở Alaska, nơi có thiên nhiên hoang dã trù phú. Ảnh: Juno Kim/Visit Anchorage.
Alaska có khoảng 60 sông băng trong bán kính 80 km tính từ sân bay và đây là một vùng đất có thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp của nước Mỹ. Bang được bao phủ bởi các công viên quốc gia và khu bảo tồn hùng vĩ. Du khách có thể đi bộ đường dài, câu cá, chèo thuyền và du lịch khám phá trong rừng rậm khi tới đây du lịch.
Anh Minh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/san-bay-nho-thanh-noi-ban-ron-nhat-the-gioi-4104536.html