Du khách hụt hẫng vì không được đốt vàng mã thể hiện lòng thành ở Côn Đảo

Thứ 4, 10.07.2024 | 14:36:18
501 lượt xem

Bà T.T.D, du khách đến từ Hà Nội hụt hẫng khi biết thông tin không đốt vàng mã tại các điểm đến tâm linh tại Côn Đảo. Vị khách 65 tuổi cho rằng, thắp nén nhang, đốt vàng mã "mới thể hiện lòng thành".

Trung bình 1.400 đến 1.600 bộ vàng mã đốt tại điểm di tích Côn Đảo mỗi ngày

Đầu tháng 7 vừa qua, bà T.TD, du khách đến từ Hà Nội tới Miếu Cậu ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bất ngờ với việc không được đốt vàng mã như mọi năm.

Vị khách 65 tuổi cho biết, năm nào bà cùng gia đình cũng tới Côn Đảo để dâng hương. Những năm trước, bà D. luôn sắm đầy đủ lễ vật với lòng thành kính. Nhưng năm nay khi biết thông tin không đốt vàng mã, vị khách Hà Nội thấy "hụt hẫng" vì sợ không thể bày tỏ hết lòng thành.

"Đến Côn Đảo tôi mới biết thông tin này nên rất băn khoăn", vị khách lớn tuổi nói.

Du khách hụt hẫng vì không được đốt vàng mã thể hiện lòng thành ở Côn Đảo - 1Một du khách Hà Nội tới Côn Đảo để thể hiện lòng thành kính (Ảnh: Cẩm Ngân).

Trước thông tin hoạt động cúng đốt vàng mã sẽ dừng tại các điểm di tích do UBND huyện Côn Đảo quản lý kể từ 1/7 và tất cả các điểm khu di tích trên địa bàn từ 1/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trường An, chuyên viên phòng văn hóa và thông tin huyện đã đưa ra các lý do cụ thể.

Theo ông An, mục đích của kế hoạch này nhằm giữ gìn môi trường trong lành của huyện đảo cho người dân và du khách, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, góp phần bài trừ mê tín dị đoan, nhằm hướng tới du lịch văn minh, xây dựng Côn Đảo xanh, sạch, đẹp.

"Trước đó, chúng tôi đã tuyên truyền để người dân và du khách hiểu, nắm bắt chủ trương của huyện. Kế hoạch được triển khai chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 từ 1/10 sẽ dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại tất cả các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện", ông An cho biết.

Số liệu thống kê từ Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo cho thấy, trung bình mỗi ngày tại các điểm di tích, du khách đốt từ 1.400 đến 1.600 bộ vàng mã, gây khói bụi độc hại, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, ảnh hưởng tới môi trường xanh sạch của huyện đảo.

Theo Phòng văn hóa và thông tin huyện, trước khi áp dụng chủ trương này, chính quyền địa phương đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến từ người dân và du khách. Kết quả cho thấy, hơn 80% người dân ủng hộ, đồng tình.

Du khách hụt hẫng vì không được đốt vàng mã thể hiện lòng thành ở Côn Đảo - 2Khoảnh khắc bình yên trên đảo (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Một số du khách tới nghĩa trang Hàng Dương, chứng kiến cảnh tượng đốt vàng mã gây ra lượng khói bụi lớn, ảnh hưởng tới môi trường nên băn khoăn, trăn trở. Họ gửi thư ngỏ tới chính quyền địa phương, góp ý nên có phương án lâu dài nhằm đảm bảo một Côn Đảo xanh, sạch", ông An chia sẻ.

Trước mắt, từ ngày 1/7, các di tích thuộc UBND huyện Côn Đảo quản lý sẽ dừng hoạt động cúng đốt vàng mã, bao gồm Miếu Cậu; mộ 75 chiến sĩ khu dân cư số 1; Miếu Thổ Địa khu dân cư số 2; An Sơn Miếu khu dân cư số 3; Chùa Núi Một khu dân cư số 3 và Miếu Ngũ Hành khu dân cư số 10.

Huyện tiếp tục phát loa tuyên truyền tại các điểm di tích nhằm lan tỏa thông tin tới du khách có nhu cầu tới thăm viếng trong thời gian tới.

Cần thời gian để thay đổi thói quen và suy nghĩ cũ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, việc Côn Đảo vận động du khách không đốt vàng mã là nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới tiết kiệm, du lịch xanh. Đó là hoạt động văn minh, phù hợp với điều kiện ngày nay.

Tuy nhiên, điều này không tránh khỏi phản ứng bởi sẽ gặp phải sự mâu thuẫn với văn hóa truyền thống.

Du khách hụt hẫng vì không được đốt vàng mã thể hiện lòng thành ở Côn Đảo - 3Nhiều nhà chùa ngày nay vận động không cúng, đốt vàng mã để người dân không sa đà vào mê tín dị đoan (Ảnh: Dân trí).

Để giải quyết vấn đề này, PGS. TS Lê Quý Đức cho rằng, phía địa phương nên kiên trì vận động, giải thích cho du khách và người dân hiểu về ý nghĩa của chủ trương này, hướng du khách đến những việc làm thiết thực.

"Nếu đi du lịch tâm linh thì sự thành tâm là quan trọng nhất. Nếu lo lắng việc không đốt vàng mã sẽ khó thể hiện sự thành tâm, du khách có thể dùng số tiền mua vàng mã góp vào hòm công đức để tạo nguồn quỹ trùng tu, tôn tạo các di tích hoặc giúp cho các hoạt động thiện nguyện", PGS. TS Lê Quý Đức gợi ý.

Bản thân từ phía người dân và du khách cần có thời gian đón nhận, thích nghi với các hoạt động chủ trương văn hóa văn minh. Phía địa phương thực hiện không nên sốt ruột, cũng không nên cấm cản một cách quá khắt khe mà cần để người dân từ từ đón nhận, thay đổi thói quen khi đi du lịch tâm linh.

Việc đốt vàng mã vốn là tập tục có từ xưa của người Việt, ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc. Nhiều nhà chùa ngày nay đã vận động không cúng, đốt vàng mã để tránh gây lãng phí, ô nhiễm môi trường đồng thời để khuyên người dân không sa đà vào mê tín dị đoan.

Đại đức Thích Bản Quyền, Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Vĩnh Bảo, trụ trì chùa Điềm Niêm (xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) từng chia sẻ, trong giáo lý nhà Phật và các tôn giáo khác đều không có chuyện đốt vàng mã, cúng tế cho người chết.

Cũng theo vị đại đức này, tục đốt vàng mã đang ngày càng biến tướng. Nhiều người bỏ tiền thật mua tiền giả cùng hàng núi mô hình nhà lầu, xe hơi, đồ thời trang đem đốt… Lợi lộc đâu chưa biết nhưng trước mắt là lãng phí, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. 

Theo Đại Đức Thích Bản Quyền, nếu nói đốt vàng mã là biểu hiện cho cái tâm thì còn phải xem xét, bởi cái tâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên, người đã khuất là sự thành kính chứ không phải dâng mâm cao, cỗ đầy, đốt nhiều tiền vàng, mũ mã. Bản thân con cháu người đã khuất cần làm việc tốt, tạo phúc đó mới là cách tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, người đã khuất tốt nhất.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/du-lich/du-khach-hut-hang-vi-khong-duoc-dot-vang-ma-the-hien-long-thanh-o-con-dao-20240710115423065.htm

  • Từ khóa