Gia tăng giá trị ẩm thực Việt Nam

Thứ 2, 29.07.2024 | 00:00:00
350 lượt xem

Dù được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng thế giới về ẩm thực song đáng tiếc, du lịch ẩm thực Việt Nam chưa thực sự định vị được thương hiệu, mang lại nguồn thu tương xứng. Để thu hút những thực khách sành ăn, thích khám phá món ngon, tăng giá trị du lịch, ẩm thực Việt Nam cần nguồn lực tổng hợp từ nhiều ngành, địa phương, từ nuôi trồng cho đến bảo quản, chế biến, làm thương hiệu...

Ẩm thực là thế mạnh của du lịch Việt

Tiên Yên (Quảng Ninh) là vùng đất đã có từ lâu đời, phong cảnh hữu tình, nơi ngã ba của hai dòng sông nhỏ. Tiên Yên có bản sắc phong phú với sự giao thoa văn hóa các dân tộc Kinh, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ... của vùng Đông Bắc Việt Nam.

Một trong những ấn tượng sâu đậm của nhiều du khách khi đến Tiên Yên là ẩm thực có khả năng làm vị giác mê mẩn. Điển hình nhất phải kể đến gà Tiên Yên-giống gà tiến vua, khi luộc lên có màu vàng ươm óng ánh nước mỡ nhưng khi ăn lại thơm ngọt, giòn, béo mà không ngấy, nạc mà không xơ. Bên cạnh đó, trứng vịt biển Đồng Rui bùi ngậy, cà sáy (vịt lai ngan) thịt chắc, không tanh... đều là những “siêu phẩm” nông nghiệp không thể bỏ qua khi đến Tiên Yên. Những đặc sản này cùng vô số sản phẩm OCOP đặc trưng được huyện Tiên Yên nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung sử dụng như một "tuyệt chiêu" thu hút khách trong và ngoài nước.

Quảng Ninh không phải địa phương đầu tiên và duy nhất sử dụng ẩm thực để lấy lòng du khách. Lễ hội ẩm thực, ngày hội văn hóa-du lịch... phô diễn những món ngon đặc trưng nhất đang được nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế... phát huy hiệu quả, với những món đặc sản khi đặt chân đến mỗi vùng đất. Hà Nội là điển hình khi liên tục xuất hiện trong các đề cử món ăn ngon, điểm đến ẩm thực...

Gia tăng giá trị ẩm thực Việt Nam
 Khu nghỉ dưỡng The Anam Cam Ranh (Khánh Hòa) phục vụ du khách những món ăn mang đậm phong vị địa phương. Ảnh: TUẤN ANH

Cách đây vài ngày, Hà Nội lọt tốp 15 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới của chuyên trang Tripadvisor. Trên bình diện cả nước cũng không khó tìm thấy các danh hiệu thế giới dành cho ẩm thực Việt Nam. Riêng năm 2023, chúng ta bội thu giải thưởng tôn vinh ẩm thực Việt như: “Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á 2022” của Giải thưởng Ẩm thực thế giới; điểm đến có nền ẩm thực hàng đầu châu Á của Travel and Leisure (Hoa Kỳ); tốp 5 trong 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới bình chọn bởi độc giả chuyên trang The Travel (Canada)...

Nhà hàng có phải “gót chân Asin”?

Nhiều giải thưởng quốc tế nhưng tinh ý sẽ thấy hầu hết các danh hiệu thế giới uy tín dành cho ẩm thực Việt lại không gắn với các nhà hàng. Mới đây, CNN công bố 50 nhà hàng hàng đầu thế giới, Việt Nam không có bất cứ đại diện nào trong khi Thái Lan với nhiều nét ẩm thực tương đồng lại có tới 4 nhà hàng nằm trong danh sách, đứng thứ hai thế giới về số lượng.

Theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Liên chi hội Đầu bếp Việt Nam: “Vốn dĩ Thái Lan phát triển du lịch rất mạnh mẽ, du khách đông nên nhu cầu ẩm thực Thái nói chung, ẩm thực tại các nhà hàng nói riêng đều lớn. Không phải đầu bếp Việt Nam không có người giỏi nhưng ngoài chuyên môn còn cần nhiều yếu tố khác để đạt tới tầm quốc tế. Các đầu bếp ở nước ngoài được học hành bài bản, có lý luận được hệ thống hóa, được hỗ trợ quảng bá truyền thông...

Trong khi đó, chúng ta thậm chí hiện giờ còn chưa có trường đại học về du lịch nói chung chứ chưa nói đại học chuyên ngành về đầu bếp. Hầu như các đầu bếp của chúng ta hiện nay đang được học theo kiểu "cầm tay chỉ việc" nên không tránh khỏi có những người thầy còn giấu nghề, giữ bí kíp riêng”.

Đã có 15 năm làm sáng tạo nội dung chuyên về ẩm thực, Bếp trưởng Summer Le (Lê Hạ Uyên) của nhà hàng Nén (Đà Nẵng) bày tỏ: “Sau một thời gian viết về ẩm thực, tôi nhận ra ẩm thực đường phố của Việt Nam rất hay, rất phát triển và được nhiều người trên thế giới yêu mến. Nhưng vẫn còn những mảng khác của ẩm thực mà chúng ta chưa phát triển như ẩm thực tại các nhà hàng cao cấp. Tôi quyết định mở nhà hàng cao cấp sử dụng nguyên liệu trong nước với mong muốn nâng tầm ẩm thực Việt.

Tôi nhận ra một trong những lý do khiến ẩm thực Việt tại các nhà hàng khó phát triển nhanh là chưa có sự đồng bộ trong cả hệ thống. Ví dụ, ở Nhật có hệ thống xếp loại nguyên liệu. Đơn giản như quả xoài được đo độ đường, xếp loại các giống rõ ràng, chi tiết. Còn ở Việt Nam, người đầu bếp mua xoài về ăn thử và tự đánh giá mức độ ngon, ngọt. Làm nhà hàng mà phải tự thực hiện tất cả những công đoạn này thì thực sự vất vả. Nếu ta có một hệ thống xếp hạng nguyên liệu Việt Nam như vậy, sẽ rất dễ dàng cho đầu bếp trong nước và quốc tế cùng phát triển nguyên liệu Việt”.

Để ẩm thực Việt vươn xa

Thông thường, nói đến các nhà hàng là nói tới ẩm thực cao cấp, thu hút du khách chịu chi, tăng giá trị ngành du lịch, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Vì thế, để ẩm thực Việt nói riêng, du lịch Việt nói chung được nâng tầm, vươn xa trên đấu trường quốc tế, chúng ta không thể bỏ lỡ sân chơi này.

Động thái lớn nhất gần đây là sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống các nhà hàng theo đề cử của hệ thống xếp hạng danh giá Michelin với sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn Sun Group. Ông Yamaguichi Hiroshi, Bếp trưởng nhà hàng Hibana by Koki (Hà Nội) đánh giá: “Michelin giúp thị trường ẩm thực Việt Nam sôi động hơn. Đặc biệt, ẩm thực Việt Nam sẽ ngày càng có tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn và sẽ phát hiện được nhiều tài năng trẻ hơn nữa”.

Ở góc độ địa phương, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng chia sẻ: “Từng nhà hàng, từng cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch rất quan trọng để góp phần tạo thêm thương hiệu du lịch Đà Nẵng xứng tầm quốc tế. Năm 2024, lần đầu tiên Đà Nẵng đạt sao Michelin là cơ hội vàng để ngành du lịch quảng bá và lan tỏa các giá trị trải nghiệm, giá trị đặc sắc của ẩm thực Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới”.

Khẳng định du lịch ẩm thực là hướng đi chiến lược của ngành, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết: “Michelin là một chứng nhận đã được toàn cầu hóa. Do đó, thông điệp của du lịch Việt Nam sẽ bay cao, bay xa hơn. Nằm trong danh sách của Michelin sẽ là động lực để các nhà hàng vươn lên, khẳng định mình và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngược lại, chính Michelin tạo ra một lộ trình để các nhà hàng Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhân lực... đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đã công nhận”.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/du-lich/cac-van-de/gia-tang-gia-tri-am-thuc-viet-nam-787163 

  • Từ khóa