Giới chức y tế Iran cho biết Covid-19 đã làm 12 người thiệt mạng tại nước này sau khi có nghị sĩ đưa ra con số 50 người tử vong.
Nguy cơ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) trở thành đại dịch đang tăng sau khi Hàn Quốc, Ý và Iran ghi nhận sự tăng mạnh của số ca nhiễm, dẫn đến nỗi lo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sự lây lan của nó.
Sự quan tâm hiện đổ dồn vào Iran sau khi giới chức nước này hôm 24-2 đưa ra số liệu lẫn lộn về số trường hợp tử vong do dịch Covid-19. Nghị sĩ Ahmad Amirabadi Farahani đến từ thánh địa Qom cho biết 50 người đã tử vong và hơn 250 người bị cách ly vì Covid-19 trong 2 tuần qua. Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi sau đó bác bỏ thông tin trên và cho biết con số mới nhất là 12 người tử vong và 61 người bệnh. Điều đáng nói là một số ca nhiễm đầu tiên ở 2 nước Trung Đông khác là Bahrain và Kuwait đều là người từng đến Iran. Lo ngại virus gây Covid-19 lây lan, một số nước như Ả Rập Saudi, Kuwait, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Afghanistan đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại và nhập cư đối với Iran.
Dòng người xếp hàng chờ mua khẩu trang trước một siêu thị ở TP Daegu - Hàn Quốc hôm 24-2 Ảnh: Reuters
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 tại Hàn Quốc tăng thêm 231, lên 833 trong lúc số trường hợp tử vong tăng lên 8 hôm 24-2, một ngày sau khi chính phủ nước này nâng mức báo động đối với dịch bệnh lên mức cao nhất. Hầu hết ca nhiễm mới xảy ra ở TP Daegu. Theo hãng tin Yonhap, hơn 10 quốc gia đã cấm nhập cảnh hoặc tăng cường giám sát đối với người từ Hàn Quốc. Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Kim Yong-beom cùng ngày cảnh báo dịch Covid-19 đe dọa cản trở xu hướng hồi phục của kinh tế bắt đầu từ cuối năm ngoái, đồng thời cam kết có hành động để giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng.
Tương tự, sự gia tăng nhanh của số ca nhiễm Covid-19 tại Ý đang khiến cả châu Âu "mất ăn mất ngủ". Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết sẽ sớm thảo luận với những người đồng cấp khác về biện pháp đối phó nguy cơ xảy ra dịch Covid-19 tại châu Âu sau khi nước Ý có 150 ca nhiễm và 5 người tử vong vì bệnh này.
Còn tại Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm mới và người tử vong vì Covid-19 đã lần lượt tăng lên 77.150 và 2.592 sau khi có thêm 409 ca nhiễm mới và 150 trường hợp tử vong mới được ghi nhận hôm 23-2. Dù vậy, tình hình dịch bệnh tại đây đang có dấu hiệu bớt căng thẳng sau khi chính quyền 4 tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Sơn Tây và Quý Châu đã giảm cấp độ các biện pháp phản ứng khẩn cấp với dịch Covid-19. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế đi lại đã được nới lỏng tại một số địa phương, trong đó có thủ đô Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 23-2 đánh giá dịch bệnh sẽ có tác động tương đối lớn nhưng ngắn hạn lên nền kinh tế và Bắc Kinh sẽ tăng cường điều chỉnh chính sách để giúp giảm bớt những tổn thất liên quan. Ngoài ra, ông Tập thúc giục doanh nghiệp hoạt động trở lại dù cảnh báo dịch bệnh vẫn còn "nghiêm trọng và phức tạp"
Với sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm Covid-19 và sự lây lan về mặt địa lý của virus gây bệnh này bên ngoài Trung Quốc đại lục, một số chuyên gia cho rằng WHO và các nước thành viên giờ đây nên nghĩ đến việc chuyển từ ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang giảm thiểu tác động tiêu cực từ sự lây nhiễm đang tiếp diễn. Bi quan hơn, ông Pauk Hunter, chuyên gia tại Trường ĐH East Anglia (Anh), cảnh báo thời gian để kiểm soát dịch có thể đang cạn dần. Theo ông Hunter, sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm tại Hàn Quốc là chưa từng có tiền lệ kể từ khi dịch bệnh xảy ra trong khi tình hình tại Ý là nỗi lo lớn của cả châu Âu.
HOÀNG PHƯƠNG/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/noi-lo-covid-19-thanh-dai-dich-20200224210733395.htm