Iran đã sử dụng hàng loạt tên lửa trong cuộc tấn công vào Israel hôm 1/10, trong đó có tên lửa siêu vượt âm Fattah.
Tên lửa siêu vượt âm Fattah của Iran tham gia một cuộc diễu hành quân sự ở phía nam Tehran (Ảnh: Getty).
Jerusalem Post dẫn nguồn thạo tin cho biết Iran đã phóng tổng cộng gần 500 tên lửa nhằm vào Israel trong cuộc tấn công tối 1/10.
Theo Mehr News, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết nước này đã nhắm mục tiêu vào 3 căn cứ quân sự của Israel xung quanh Tel Aviv trong một đợt phóng tên lửa mới nhất.
"Mặc dù các khu vực bị nhắm mục tiêu đã được bảo vệ bởi các hệ thống phòng thủ tiên tiến và quy mô lớn nhất, 90% số tên lửa được bắn đi đều trúng mục tiêu, khiến chính quyền Israel vô cùng sợ hãi", IRGC tuyên bố.
Theo IRGC, cuộc tấn công của Iran đã nhắm vào 3 căn cứ quân sự Israel gồm sân bay Nevatim, Tel Nof và Hatzerim. Căn cứ Nevatim là nơi đặt các máy bay chiến đấu F-35, còn căn cứ Hatzerim có các máy bay chiến đấu F-15.
"Một số căn cứ không quân và trung tâm radar của Israel và các khu vực trung tâm đã bị tấn công", IRGC cho biết thêm.
IRGC xác nhận, trong cuộc tấn công này, Iran lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah-2 để nhắm vào Israel. Cơ quan này khẳng định, cuộc tập kích đã phá hủy nhiều xe tăng cũng như máy bay chiến đấu F-35 của Israel.
Mehr News cho biết Iran đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah lần đầu tiên trong cuộc tấn công vào Israel hôm 1/10.
Fattah được coi là tên lửa siêu vượt âm đầu tiên do Iran sản xuất trong nước. Iran tuyên bố Fattah là "một bước nhảy vọt trong lĩnh vực tên lửa".
Quân đội Iran đã công bố vũ khí này vào năm ngoái, cho biết nó có thể bay nhanh gấp 15 lần tốc độ âm thanh và có khả năng "nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng thủ tên lửa".
Truyền hình nhà nước Iran cho biết, tên lửa có tên Fattah (Kẻ chinh phạt) có tầm tấn công tối đa 1.400km. Iran tuyên bố tên lửa của nước này có thể xuyên thủng mọi lá chắn phòng không trong khu vực, kể cả các hệ thống của Mỹ và Vòm sắt của Israel.
Nếu thông tin này chính xác, Iran đã trở thành một trong số ít quốc gia có thể phát triển thành công dòng tên lửa uy lực được xem là tương lai của hoạt động tác chiến.
Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.
Các chuyên gia vũ khí đã phân tích các video được chia sẻ trên mạng xã hội từ hiện trường vụ tấn công cho thấy các biến thể của tên lửa đạn đạo dòng Shahab-3 của Iran đã được sử dụng trong cuộc tấn công bằng tên lửa mới nhất vào Israel.
Trevor Ball, cựu kỹ thuật viên vật liệu nổ của quân đội Mỹ, nói với CNN rằng các mảnh vỡ phù hợp với các biến thể Shahab-3 như Emad hoặc Ghadr, có thể nhận dạng được từ các hình ảnh và video về cuộc tấn công.
Theo chuyên gia Ball, trong một video có thể nhìn thấy mảnh vỡ của một tên lửa đẩy có dấu hiệu rõ ràng của tên lửa Emad. Ông nói thêm rằng các mẫu tên lửa khác như Kheibar Shekan hoặc Fattah cũng có thể đã được sử dụng.
Theo Patrick Senft, điều phối viên nghiên cứu tại Tổ chức nghiên cứu vũ khí (ARES), Shahab-3 là nền tảng cho tất cả các tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran sử dụng nhiên liệu lỏng. Ông nói thêm rằng Shahab-3 là "tên lửa đạn đạo đầu tiên của Iran có thể vươn tới Israel".
Theo cả hai chuyên gia, những gì còn sót lại của tên lửa đạn đạo Iran, bao gồm cả phần dẫn đường và đầu đạn, đã được nhìn thấy trong các hình ảnh và video ghi lại tại địa điểm xảy ra vụ tấn công. Chuyên gia Ball cho biết rất khó để xác định chính xác mẫu tên lửa do thiếu hình ảnh tham chiếu.
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Anna Ukolova cho biết, cuộc tấn công tên lửa của Iran không gây ra bất kỳ tổn hại nghiêm trọng nào cho Israel hoặc lực lượng không quân của nước này.
Theo dantri.com.vn